Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã xuất hiện 5 ổ dịch dại trên động vật và có 2 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Ngày 26/7, trao đổi với Người Đưa Tin, Bác sĩ Nguyễn Văn Đọc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế Quốc tế, thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Cà Mau cho biết, trước tình hình bệnh dại trên địa bàn, ngành y tế tỉnh Cà Mau đã có thông điệp truyền thông phòng, chống bệnh dại.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau ban hành nhiều công văn phòng chống bệnh dại; đưa thông điệp phòng chống bệnh dại bản tin y tế ngành các điểm tiêm ngừa toàn tỉnh khi người dân đến tiêm phòng dại cần khai thác kỹ tình trạng chó, mèo cắn người.
Nếu chó, mèo có dấu hiệu bệnh dại hoặc trong vòng 10 ngày 1 con chó/mèo cắn từ 2 người trở lên cần báo ngay cho Trung tâm Y tế gần nhất biết để phối hợp phòng chống kịp thời.
Ngoài ra, người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Cà Mau có 2 trường hợp tử vong do bệnh dại. (Ảnh: Nguồn Internet).
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đọc, bệnh dại là bệnh tử vong 100% nhưng có thể phòng ngừa. Khi bị chó, mèo cắn, cào cần rửa kỹ vết thương bằng nước sạch và xà phòng liên tục trong 15 phút.
Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch, đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Không tự ý nặn máu và không được băng kín vết thương. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.
Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự điều trị, không nhờ thầy lang điều trị bệnh dại. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân sử dụng các biện pháp chưa được công nhận để khám và điều trị cho người bị chó, mèo cắn, hoặc người đang lên cơn dại.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo) lên da bị tổn thương.
Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, khi đã lên cơn dại thì không thể cứu chữa được và đều dẫn đến tử vong. Bệnh dại nguy hiểm, nhưng đã có vắc-xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích5
Hấp dẫn
10
Đặc sắc
15
Tuyệt vời