Tiếng chuông điện thoại lanh lảnh vang lên liên hồi buổi sáng sớm khiến mẹ và tôi giật mình tỉnh giấc. Cuộc gọi của bác hàng xóm sống gần nhà cũ thông báo cho mẹ tôi biết ba tôi vừa qua đời. Tiếp đến là cuộc gọi của một người họ hàng gọi cho tôi thông báo nội dung tương tự. Điện thoại của mẹ tôi thì cuộc gọi tới liên tục từ cô chú họ hàng, khác với chiếc điện thoại im ắng của tôi, đến cuối ngày cũng không nhận được cuộc gọi nào từ chú tôi, từ nội tôi thông báo việc của ba tôi.
Cái “nóng” của đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn quốc, thành phố tôi sống đang trong chỉ thị 16 cùng cái nắng gắt gỏng của trời hè khiến con người chẳng mấy dễ chịu. Còn với tôi tin về ba tôi lúc đó khiến lòng tôi lắm suy nghĩ ngổn ngang, cảm thấy mọi thứ ngột ngạt đến khó thở xen lẫn một chút đau lòng. Nhưng tôi cũng thầm nhủ rằng mọi thứ của quá khứ đã có thể buông xuống được rồi.
Tôi không nhớ chính xác tôi gặp ba tôi lần cuối cùng là lúc nào. Tôi chỉ nhớ lần gần nhất bạn tôi gọi nói “Ba mày nhập viện rồi”. Tôi chỉ ừ nói “Tao không nghe nhà nội tao nói gì hết. Cứ coi như tao không biết đi”. Và thật sự, nếu gặp thì giữa ba và tôi cũng chả có gì để nói, những câu hỏi thăm gượng gạo theo phép lịch sự cho không khí đỡ trầm, đỡ nhạt nhẽo, chứ chẳng còn những lời nói thân thương như ngày xưa ấy.
Ảnh minh họa.
Tôi nhớ có lần ba tôi nằm viện ngay tại bệnh viện tôi đang công tác, chú tôi có gọi điện thông báo, tôi ghé thăm ba tôi nhưng tôi lại không đủ dũng khí để gửi gắm bác sĩ, mấy chị điều dưỡng, nói thẳng với họ đó là ba tôi. Cũng có người hỏi tôi, tôi cũng chỉ cười xòa “Người cùng họ đó chị”. Tôi không dám thú nhận chỉ vì tôi không muốn ai bóc trần cái quá khứ không mấy đẹp đẽ, vui vẻ của gia đình tôi, của ba tôi. Tôi vốn dĩ là một đứa kiêu ngạo, tôi không muốn thấy ánh mắt đầy thương hại của mọi người nhìn tôi.
Còn ba tôi thậm chí lúc ấy cũng không rõ tôi làm chỗ nào, có đủ sống không, có vất vả không. Lần đó tôi lên thăm ba có hỏi tôi “Con làm ở phòng gần cổng bệnh viện à? Lương được bao nhiêu?”. Có những thứ có lẽ đúng với câu thành ngữ “Im lặng là vàng” bởi một khi mở miệng ra thì thứ tình cảm gượng gạo đó cũng chẳng thể nào xoa dịu, chẳng thể nào níu giữ lại được thứ tình cảm đã mất đi, nó chỉ càng làm toác ra vết thương đang dần dần đóng vảy.
Thật ra tôi là đứa con gái út mà ba tôi cực kì cưng chiều. Đến nỗi anh trai cũng phải ghen tị với tôi. Gần như tôi muốn gì ba tôi đều chiều theo ý tôi, nên nhiều khi muốn đi chơi anh trai tôi đều bảo “Em xin ba đi. Em xin ba sẽ cho đó”. Tôi nhớ có lần ba tôi giận tôi, ba định đánh tôi nhưng cuối cùng ba lại nói “Con là con út, ba không đánh con”.
Tôi biết, chẳng phải vì tôi là con út mà ba không nỡ đánh tôi mà chỉ vì ba thương tôi mà thôi. Ba dạy và thương yêu tôi theo cách riêng của ba. Ba tôi không chạy theo thành tích theo kiểu “con nhà người ta” mà ba vừa dạy vừa chơi cùng tôi như cờ tướng, caro hay bida cũng là ba tôi chỉ tôi. Đợt đó ba dẫn tôi chơi bida, về nhà tôi hí hửng khoe với anh trai “Em chơi thắng ba đó nha”. Anh tôi cười bảo “Ba nhường em đó”. Nhưng tiếc thay, đó chỉ là những kí ức đẹp đẽ còn đọng lại trong tôi, còn tình thương của ba dành cho tôi đã chẳng thể theo tôi mãi đến khi tôi trưởng thành và cả những ngày tháng sau này.
Cũng vào một ngày hè, tôi biết tin ba tôi có người khác và vô tình bị mẹ tôi phát hiện. Mọi thứ quanh tôi lúc đó bỗng chốc sụp đổ, tôi không biết đối mặt với tin tức đó thế nào, đối mặt với ông ra sao. Cái tuổi 16 chưa đủ để tôi hiểu hết, chưa đủ để tôi cân bằng cảm xúc và thật bình tĩnh để đứng trước mặt ông. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy ba tôi mà tôi đăm đăm không hỏi, không nói và tránh mặt ông. Mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn có lẽ từ lúc ba mẹ tôi ly hôn. Vì lúc đó tôi chỉ mới 16 tuổi và cả ba mẹ đều giành quyền nuôi tôi nên tôi được lựa chọn sống với ai. Tôi đã chọn sống với mẹ, đó là sự lựa chọn khó khăn nhất, gian nan nhất trong đời tôi lúc ấy.
Chỉ sau đó không lâu, ba tôi đưa người mới về sống chung và ngôi nhà đó đã chẳng còn là nơi lưu giữ những thứ đẹp đẽ nhất của gia đình tôi, của ba và tôi nữa. Những lời hỏi thăm của ba xa dần, những yêu thương chăm sóc của ba dành cho tôi theo ngày tháng dần nhạt nhòa. Nhưng đỉnh điểm nhất có lẽ là lần tôi về thăm ba tôi sau đó. Tôi nghe mọi người bảo ba tôi đau, mẹ tôi có chuẩn bị cho tôi ít nước mang về thăm ba.
Nếu thời gian có quay ngược về ngày hôm đó, có lẽ tôi sẽ không để mọi chuyện xảy ra như cũ, để có thể giữ lại cho mình một chút kí ức đẹp đẽ còn sót lại giữa ba và tôi trong trái tim mình. Ngày đó, ba và tôi có tranh cãi, còn tranh cãi về những gì tôi đã chẳng thể nào nhớ nỗi. Tôi chỉ nhớ ba vứt những thứ tôi mang về ra trước hiên nhà.
Hành động đó đã đánh thẳng vào lòng tôi, như nói cho tôi biết ba đã vứt bỏ đi hết thảy tình yêu thương mà ba dành cho tôi từ trước đến nay. Thử hỏi tôi không đau lòng sao được khi tôi là đứa ba thương nhất mà. Nhìn mọi thứ nằm trơ trọi bên hiên nhà tôi đã cầm và ném chúng đi thật xa. Nhìn những lon nước lăn long lóc bên vệ đường mà lòng tôi đau lắm, đau vì tình thương của ba dành cho tôi từ nay đã không còn, đau vì những thứ kí ức đẹp đẽ chẳng thể nào níu giữ, đau vì tôi chẳng còn hồn nhiên, gọi hai tiếng “ba ơi” đầy yêu thương nữa. Và dường như sợi dây tình cảm của ba và tôi đã bị cắt đứt từ hôm đó mà chẳng có một phép màu nào có thể nối lại được.
Còn có lần trước khi tôi thi đại học, tôi với anh trai có về lại căn nhà cũ. Lúc ấy, ba cũng chẳng nói với tôi được câu nào, tôi mong lắm, tôi thèm lắm một câu chúc “Con gái của ba thi tốt nha” như bao bạn bè cùng trang lứa.
Có lẽ vì không có ba bên cạnh đồng hành nên tôi ngày càng tự lập, trưởng thành hơn, hiểu chuyện hơn và bản lĩnh hơn, để chứng minh cho ba tôi thấy không có ba tôi đã trưởng thành và sống tốt như thế nào. Nhưng giờ đây khi tôi có cố gắng ra sao để chứng minh cho ba tôi thấy thì ba tôi cũng đã không thể nào biết được nữa rồi. Ba ra đi vào một ngày hè đầy nắng khi cả tỉnh đang thực hiện chỉ thị 16 nên tang lễ của ba tôi cũng tiến hành nhanh chóng và hạn chế. Đến cuối cùng tôi vẫn không có cơ hội gặp mặt ông lần cuối, cũng như hỏi ông một câu “Ba có hối hận không?” – câu hỏi đã đeo bám theo tôi từ năm 16 tuổi đến tận bây giờ.
Bỗng nghe tiếng mẹ tôi gọi, tôi lau vội giọt nước mắt tôi đã trốn và lặng lẽ khóc để tiễn đưa ông từ nơi xa. Lòng tôi thầm nói “Chiều nay nắng đã tắt rồi Ba ơi!”.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn biên tập lạiBài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"Tác giả: Đoàn Li VaThông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"Yêu cầu
- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…
Đối tượng dự thi
- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi
- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.
- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.
Thời gian nhận bài thi
- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.
- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.
Địa chỉ nhận bài thi
- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].
- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
Thông tin liên hệ
Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).
Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.
Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!
Ban tổ chức