Từ Tết năm ngoái, ba mẹ đã hẹn với bé là năm nay cả nhà mình sẽ về quê đón tết cùng ông bà nội. Chính vì thế, khi ba mẹ nhắc đã sắp tết rồi là bé nhớ ra ngay.
Bé dường như chỉ quen với việc ăn tết cùng ông bà ngoại vì nhà bé gần nhà ông bà và vì ba mẹ thường có rất ít ngày nghỉ tết. Từ khi sinh ra đến nay, bé cũng được về ăn tết với ông bà nội hai ba lần nhưng đều là lúc bé còn nhỏ xíu nên sự cảm nhận không được rõ nét lắm. Vì vậy, cứ nghĩ đến về quê ăn Tết là bé thấy háo hức lạ kỳ, bé chỉ mong nhanh đến ngày đó thôi.
Mẹ cho bé đi cùng mẹ mua quà tết để mang về biếu ông bà nội và các cụ, các ông bà ở quê. Mẹ bảo, món quà biếu là thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với bề trên chứ không quan trọng là to hay nhỏ. Bé hiểu rồi, vì thế nên mẹ không mua các gói quà giống nhau mà cứ đi khắp hàng này hàng khác để lựa chọn quà cho phù hợp với từng người một. Mẹ còn mua một số loại gia vị mà ở quê khó tìm để về làm món ăn ngày Tết. Mẹ sửa soạn và phân chia thành từng hộp rất gọn gàng, mẹ còn nhờ bé ghi rõ tên của mặt hàng ở bên ngoài hộp.
Ba mẹ kể cho bé nghe những kỷ niệm đón Tết khi ba mẹ còn nhỏ, bé nghe mà thấy thèm, không biết mấy hôm nữa bé ở quê có giống như thế không. Bé thương ông bà lắm, lâu lâu ông bà mới được gặp các con các cháu một lần. Dịp Tết năm ngoái, bà nội gọi điện nói chuyện với bé mấy lần liền, vì bà nhớ bé đấy mà. Ba mẹ bảo cứ Tết đến là người ở quê lại mong ngóng người thân trở về, nhất là các cụ già.
Mẹ chuẩn bị quần áo ấm và các loại thuốc như thuốc cảm, thuốc nhỏ mắt mũi, thuốc ho, thuốc tiêu chảy. Mẹ bảo ngày Tết trời lạnh nên phải có sẵn thuốc men, phòng khi cảm, ho hay rối loạn tiêu hóa.
Ba khoe với mẹ là ba đổi được rất nhiều tiền mới, ba hướng dẫn bé cho những đồng tiền mới đó vào phong bao mừng tuổi rất đẹp, bé thích công việc này lắm. Ba phân công bé việc biếu tiền mừng tuổi ông bà trong năm mới, ba dạy cả bé lời chúc nhưng bé nghĩ lúc đó bé sẽ nói hay hơn cả lời ba dặn nữa cơ, bé học giỏi văn mà, khó gì đâu.
Bé thấy ba mẹ đã mua vé sẵn sàng và đăng ký nghỉ phép, chỉ chờ bé nghỉ học là cả nhà lên đường thôi. Mình sẽ về quê sớm để có nhiều thời gian chuẩn bị Tết cùng ông bà và không phải chen chúc vì đông người, ba mẹ bảo thế.
Nào, lên đường thôi!
Cuối cùng thì ngày về quê đã đến. Trên chuyến tàu kéo dài gần 4 tiếng, bé được ba mẹ chỉ cho những phong cảnh đẹp hai bên đường, những địa danh mà bé đã được học trong sách vở nhưng chưa một lần được nhìn thấy. Bé được thỏa sức ngắm bức tranh thiên nhiên đang khoe sắc để chào đón mùa xuân, được hít thở hương thơm nồng nàn từ cỏ cây hoa lá. Mới chỉ trên đường về mà bé đã thấy yêu quê mình quá, chắc chắn bé sẽ tích lũy được nhiều điều mới mẻ cho vốn kiến thức của mình. Nếu cô ra đề tập làm văn tả cảnh quê em thì bé sẽ viết được dài lắm đây.
Chả mấy chốc tàu đã về đến nơi, ba gọi một chiếc taxi chở cả nhà mình về quê. Không chỉ bé mà cả ba mẹ đều rất hồi hộp, chắc ông bà đang mong lắm.
Quê mình đây rồi!
Việc đầu tiên là cả nhà mình bày hoa quả và thắp hương trên bàn thờ gia tiên, bé cũng đứng chắp tay vái như người lớn.
Rồi đến việc biếu quà ông bà. Bé hồ hởi giới thiệu với ông bà các món quà mà bé đã được cùng mẹ chuẩn bị. Nào là áo khoác cho ông, khăn len cho bà, hộp dầu gió để ông bà xoa khi trời lạnh, cả chiếc bình phun để ông tưới cây. Ông bà xúc động ôm bé vào lòng, khen bé còn nhỏ mà biết quan tâm đến mọi người.
Bé cứ lăng xăng hết theo mẹ vào bếp chuẩn bị bữa cơm lại theo ba đi thăm thú họ hàng ở xung quanh. Nhà nào cũng náo nức vì con cháu về ăn tết, ba bảo nếu nhà nào mà không có người về thì sẽ rất buồn.
Ông chỉ đạo ba sắp xếp cây đào ở vị trí đẹp trong nhà. Cây đào này ba mua về từ cách đây mấy năm rồi, cứ tết xong ông lại mang cây ra vườn chăm sóc tỉ mỉ để đến tết lại bày trong nhà. Ba bảo ông có năng khiếu bày mâm ngũ quả ngày tết, bé quan sát ông xếp mâm quả mới thấy đúng là như vậy, ba chỉ là “trợ lý” cho ông thôi nhé. Trước khi đặt mâm ngũ quả lên ban thờ, ba đã dọn dẹp, lau rửa đồ thờ sạnh sẽ, có cả sự tham gia của bé nữa đấy.
Mẹ cho bé đi xem chợ tết, chao ôi là nhiều thứ hàng bày bán ở chợ. Mọi người gặp nhau chào hỏi tíu tít, không phân biệt ai bán ai mua. Mẹ giải thích vì đã ở quê thì cứ đi đâu cũng gặp họ hàng nên mới chào nhau như vậy. Mẹ mua rất nhiều thứ, bé thích nhất là bó lá mùi già thơm ơi là thơm và các nguyên liệu để gói bánh chưng. Lá dong thì xanh ngắt và to như cái quạt, đỗ xanh tách vỏ còn lại màu vàng, thịt lợn vừa hồng vừa trắng, hạt tiêu cay nồng, những hạt gạo nếp trắng và đều tăm tắp. Mẹ rửa lá dong, ngâm gạo, thái thịt thành từng miếng to như bàn tay của bé rồi ướp với nước mắm, hạt tiêu, nấu đỗ xanh và chia thành từng nắm nhỏ. Bé chơi với các anh chị cùng lứa trong họ (đông lắm, các anh chị ấy cũng ở khắp mọi nơi về quê ăn tết với ông bà như bé), thế mà thi thoảng vẫn không quên ngó nghiêng xem mẹ đang làm gì.
Vui nhất là buổi tối ngồi gói bánh chưng. Ông đã làm những chiếc khuôn dừa rất xinh xắn để làm khuôn cho bánh. Các cô bác cũng tập trung ở nhà mình để vừa gói bánh vừa chuyện trò. Ở thành phố, bé chưa bao giờ được chứng kiến cảnh này, thật là ấm áp và tình cảm. Bé cũng được ông dạy cho gói hai chiếc bánh, lại còn đánh dấu cho đỡ bị lẫn với những chiếc khác, ông cẩn thận quá.
Mẹ nhắc bé không được lại gần nồi nấu bánh chưng nên bé chỉ đứng nhìn từ xa, hít hà hương thơm từ bánh lan tỏa, mong sao bánh chín thật nhanh.
Chuẩn bị đón giao thừa
Sáng Ba mươi, bé theo ba mẹ ra thắp hương ở mộ các cụ để mời các cụ về cùng ăn tết với con cháu. Tâm hồn non nớt của bé cũng cảm nhận được sự linh thiêng của mối dây gắn kết với cội nguồn. Buổi chiều, mẹ làm mâm cơm tất niên có rất nhiều món, ba cũng tài nghệ lắm vì ba phụ trách phần kỹ thuật đấy chứ không phải xoàng đâu. Xong xuôi, ba mẹ sắp mâm cỗ lên ban thờ, cả nhà mặc quần áo chỉnh tề để lễ gia tiên, bé thấy trang nghiêm quá. Mâm cỗ bày ra, mẹ gắp thức ăn mời ông bà và gắp cho cả bé nữa. Ông bà khen mẹ nấu món gì cũng ngon, mềm, vừa miệng, bé thì biết điều này rõ lắm rồi, mẹ nấu gì mà chả ngon.
Ông bà và bé đi ngủ từ chín giờ tối. Gần giao thừa, mẹ gọi bé dậy, bé ngạc nhiên thấy ông bà cũng đang thức. Ba nhắc bé đã đến phút giao thừa, bé nhanh nhẹn lấy gói phong bao đã chuẩn bị ra biếu ông bà kèm theo lời chúc rất ấn tượng khiến ông bà rưng rưng xúc động. Bé cũng được ông bà và ba mẹ mừng tuổi cho chóng lớn, học giỏi.
Chúc Tết
Khoảnh khắc giao thừa trôi qua thật nhanh, một năm mới đã đến. Suốt mấy ngày tết, lúc thì bé được cùng ông bà và ba mẹ đi chúc tết họ hàng, lúc thì bé được đón mọi người đến chúc tết ông bà. Ở quê, mọi người thường đi chúc Tết thành từng đoàn khá đông, cười nói vui vẻ, gặp nhau tay bắt mặt mừng, kể bao nhiêu chuyện vui. Có những cô bác ở cùng thành phố với bé, thi thoảng vẫn đến nhà chơi, thế mà gặp ở quê vẫn vồn vã cứ như lâu lắm rồi không nhìn thấy nhau hay sao ấy.
Mẹ giỏi thật
Có một sự cố nho nhỏ xảy ra, chị con bác bên nhà ông họ của bé bị tiêu chảy do ăn nhiều thức ăn quá, may mà có thuốc của mẹ và mẹ cũng biết cách chăm sóc nữa nên chị ấy đã qua khỏi. Mẹ chị ấy cứ xuýt xoa là mẹ giỏi thật nhưng thực ra chẳng có gì phức tạp cả, do bác ấy không chuẩn bị thuốc men chu đáo và không chú ý đến con nên chị ấy mới bị như vậy thôi. Bé thấy mấy ngày tết bác ấy toàn đi chơi chứ không vào bếp nấu nướng như mẹ. Mẹ bảo ít khi có dịp về quê nên lần nào về ba mẹ cũng cố gắng dành phần lớn thời gian để chăm sóc ông bà. Ai cũng khen mẹ khéo léo, chăm chỉ, khen bé ngoan và đảm đang giống mẹ, khen ba tốt số, bé tự hào ghê.
Mùa xuân vẫn còn ở lại
Thế là một tuần ở quê đã hết, cả nhà mình lại phải trở về thành phố, trở về với nhịp sống bình thường. Phút chia tay, bé thấy bà chấm khăn vào mắt, hình như bà khóc còn ông thì cứ bịn rịn cầm tay bé như chẳng muốn con cháu rời xa.
Những ngày Tết đã cho bé thật nhiều kỷ niệm, bé sẽ có rất nhiều chuyện để kể với bạn bè về kỳ nghỉ tết tuyệt vời này. Mong sao năm nào bé cũng được đón tết cùng ông bà, được hưởng những niềm vui bình dị nhưng vô cùng thiêng liêng ở quê mình. Cảm ơn ông bà và ba mẹ đã cho bé cả một trời xuân.
-> Tết quê thiêng liêng và ý nghĩa
Nguyễn Đào