Ghe, thuyền khó thu gom lúa ở miền Tây vì vướng quy định chống dịch

20/08/2021 15:03
TTO - Nhận định đó được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Giao thông vận tải và 63 sở giao thông vận tải cùng đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương về vận tải hàng hóa gắn với phòng chống dịch COVID-19.

TTO - Nhận định đó được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Giao thông vận tải và 63 sở giao thông vận tải cùng đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương về vận tải hàng hóa gắn với phòng chống dịch COVID-19.

Ghe, thuyền khó thu gom lúa ở miền Tây vì vướng quy định chống dịch

Việc các địa phương thực hiện quy định chống dịch khiến ghe mua lúa khó di chuyển từ vùng này sang vùng khác, đặc biệt trong kênh, mương nội đồng - Ảnh: K.NAM

Tại cuộc họp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cung cấp thông tin: tính đến ngày 12-8, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 780.000ha lúa vụ hè thu với năng suất khoảng 5,8 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 4,524 triệu tấn. Dự kiến thu hoạch rộ trong tháng 8 và dứt điểm khoảng vào giữa tháng 9-2021.

Tuy nhiên vướng mắc nhất hiện nay đó là việc áp dụng chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lưu thông lúa hàng hóa từ ruộng về nhà máy và từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu.

Theo ông Trần Thanh Nam - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong giai đoạn thu hoạch lúa hiện nay, điểm nghẽn nhất do các biện pháp phòng chống dịch triển khai tại cơ sở cấp xã, cấp thôn, ấp… dẫn đến thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động thời vụ trên đồng, từ người đi thu mua cho đến người gặt lúa, bốc vác xuống ghe.

Đặc thù của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là phải sử dụng ghe, thuyền gia dụng để chở lúa từ ruộng, đồng. Tuy nhiên các phương tiện này hiện không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác, đặc biệt là khu vực kênh, mương thủy lợi nội đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, tại Đồng bằng sông Cửu Long vận tải hàng hóa bằng đường thủy là tối ưu và hiệu quả nhất trong bối cảnh dịch bệnh.

Vì vậy, hiện nay tất cả các tuyến vận tải thủy đều được coi là "luồng xanh". Tức là các tuyến đường thủy vẫn hoạt động bình thường và phải tuân theo quy định phòng chống dịch của ngành y tế đối với đội ngũ thuyền viên, tuyệt đối không được lợi dụng để chở người trái phép.

Về vướng mắc theo phản ánh của ngành nông nghiệp, ông Thọ cho biết việc quản lý và cho phép các hoạt động ghe thuyền nhỏ đi trong kênh rạch, tuyến thủy lợi nội đồng là thuộc về thẩm quyền của địa phương.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Sở Giao thông vận tải phải khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh thống nhất phương án, giải pháp phòng chống dịch phù hợp để tạo điều kiện cho người dân được ra đồng lao động, vận chuyển máy gặt vào địa phương để thu hoạch.

Đồng thời cho phép ghe, thuyền gia dụng được đi vào các tuyến kênh, mương, hệ thống thủy lợi nội đồng để thu gom lúa gạo, kết nối với các tuyến đường thủy, không để gián đoạn khâu thu mua, chế biến và tiêu thụ.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, đến nay cả hệ thống đã vào cuộc hiệu quả, trách nhiệm để đảm bảo công tác lưu thông hàng hóa.

Tuy nhiên, cần phải phát huy hơn nữa sự chủ động trong công tác tham mưu, phối hợp, thống nhất giữa các ngành để kịp thời thống nhất giải pháp, giải quyết các phát sinh thực tiễn.

Còn các Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải phải chủ động thông tin, trao đổi về nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa của địa phương để phối hợp tháo gỡ theo đúng chức năng, thẩm quyền và theo các hướng dẫn chung của Chính phủ, Bộ Y tế và ngành giao thông vận tải.

Nông sản chờ 'luồng xanh' đường thủy

TTO - Nhiều nông dân, doanh nghiệp và thương lái tại khu vực ĐBSCL đang trông chờ "luồng xanh" đường thủy được chấp thuận, với các thủ tục nhanh gọn và đơn giản hơn nhằm tạo điều kiện cho việc tiêu thụ các loại nông sản đang vào vụ thu hoạch.

TUẤN PHÙNG

Theo Nguồn tuoitre.vn

Ghe, thuyền khó thu gom lúa ở miền Tây vì vướng quy định chống dịch - Góc Bếp