Chuyên gia quy hoạch kiến trúc cho rằng Hà Nội nên học hỏi mô hình phố đi bộ ở quốc gia tương đồng về văn hóa, địa lý như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản.
Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, phố đi bộ kết hợp du lịch, mua sắm đã được nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc thực hiện thành công, đem lại nguồn lợi kinh tế. Đây có thể là mô hình không gian đi bộ lý tưởng để Hà Nội tối ưu hóa nguồn thu từ khách du lịch. Một số phố đi bộ quanh Hồ Gươm, hoặc khu phố cổ của Hà Nội có kiến trúc Pháp, hoàn toàn phù hợp làm những phố đi bộ, kết hợp thời trang xa xỉ, biểu diễn, sân khấu.
Ông dẫn chứng phố Vương Phủ Tỉnh tại Bắc Kinh nổi tiếng với khách du lịch bởi sự nhộn nhịp, lộng lẫy từ ánh đèn điện của các cửa hàng. Tuyến phố dài 1,5 km có lịch sử hơn 700 năm, hình thành từ thời nhà Minh, khởi điểm là phố phục vụ giao thương nên không có phương tiện đi qua. Vương Phủ Tỉnh rất hấp dẫn tín đồ mua sắm bởi hầu hết thương hiệu thời trang lớn, nhỏ đều xuất hiện tại đây.
Khung cảnh về đêm của phố đi bộ Vương Phủ Tỉnh. Ảnh: Andy Enero/Flickr
Theo China Highlights, khách du lịch có thể tìm mua đồ thủ công, mỹ nghệ, đặc sản của Trung Quốc tại những cửa hàng trên Vương Phủ Tỉnh. Quán ăn, nhà hàng cũng phục vụ đầy đủ thị hiếu ẩm thực từ vịt quay Bắc Kinh đến bánh kẹp thịt của McDonald's. Ước tính mỗi ngày tuyến phố đón khoảng 600.000 người tham quan, mua sắm và có thể tăng đến 1,2 triệu vào cao điểm mùa du lịch.
Seoul có tuyến phố đi bộ mua sắm rất nổi tiếng là Insa-dong. Nơi đây trưng bày chủ yếu các mặt hàng lưu niệm, văn hóa phẩm của đất nước Hàn Quốc. Theo The Seoul guide, tuyến phố dài 700 m, rộng khoảng 4 m, ngay ở trung tâm của Seoul. Điểm thu hút khách du lịch là tuyến phố vẫn bảo tồn được lối kiến trúc xưa, kết hợp nét hiện đại. Các mặt hàng mang đậm văn hóa Hàn Quốc như sách cổ, bút lông, đồ gốm, sứ, đồ lưu niệm giả cổ, hiệu may áo Hanbok...
Du khách không chỉ đến Insa-dong để mua sắm mà có thể dừng chân ở các quán cà phê, trà thất, phòng tranh. Phố đi bộ này còn được biết đến với những lễ hội đặc sắc, những buổi biểu diễn văn hóa đường phố. Du khách tới đây có thể tham gia vào những lớp nặn đồ gốm, sứ hay với những trải nghiệm cắt và may bộ đồ truyền thống.
Phố đi bộ Insa-dong. Ảnh: VisitKorea
Ông Chính cho rằng những con phố mua sắm, du lịch, ăn uống ở Trung Quốc, Hàn Quốc khá phù hợp với quận Hoàn Kiếm bởi bản thân trong khu vực này đã có nhiều cửa hàng thời trang, nhiều trung tâm thương mại. Việc tận dụng không gian đi bộ để thúc đẩy thương mại, mua sắm ở khu vực này là hoàn toàn khả thi.
Ngoài ra, một số phố đi bộ - ẩm thực sắp mở tại quận Ba Đình, Tây Hồ, có thể học theo cách làm của Thái Lan. Như khu phố ẩm thực Khao San ở Bangkok, chỉ dài 600 m, nhưng thường xuyên thu hút lượng khách du lịch khổng lồ bởi đồ ăn rẻ, ngon và đa dạng.
Khu phố ẩm thực này chủ yếu hướng đến khách du lịch muốn thưởng thức văn hóa, đồ ăn của nước sở tại với chi phí thấp, thường là các quán ăn vỉa hè, trên xe đẩy. Đồ ăn ở đây cũng tập trung vào món Thái nổi tiếng như hải sản, tom yum, pad Thái các loại hoa quả...
Phố ẩm thực Khao San tại Thái Lan. Ảnh: Bestpricetravel
Còn theo ông Tô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, phố đi bộ Hà Nội nên tập trung làm nổi bật các nét văn hóa vốn có. Ví dụ Nhật Bản nổi tiếng với hoa anh đào, nền công nghiệp hoạt hình và truyện tranh nên có phố đi bộ phục vụ du khách muốn tìm hiểu nét đẹp này.
Phố đi bộ Akihabara tại trung tâm Tokyo là một trong những con phố nổi tiếng dành cho các hoạt động mua sắm và khám phá văn hóa truyện tranh, hoạt hình Nhật Bản (otaku). Chỉ hoạt động vào mỗi chiều chủ nhật, nhưng đây là con phố nổi tiếng với rất nhiều người đam mê văn hóa Nhật Bản.
Theo Tokyo Cheapo, điểm đặc biệt của con phố này là số lượng cửa hàng và sản phẩm được bày bán, cùng cách trang trí, kết hợp đèn, biển hiệu bắt mắt khiến du khách đi cả ngày cũng chưa thể khám phá hết con đường. Trẻ em đến thăm khu phố này cũng rất thích khi tận mắt thấy mô hình nhân vật truyện tranh trên đường phố hoặc trên các màn hình cỡ lớn.
Hà Nội đang là địa phương dẫn đầu xu hướng phát triển phố đi bộ trong không gian đô thị. Bên cạnh phố đi bộ quanh Hồ Gươm và khu phố cổ, thủ đô đã và sẽ có thêm không gian đi bộ ở nhiều quận huyện như Tây Hồ, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Sơn Tây... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá không gian đi bộ ở Hà Nội chưa đáp ứng thị hiếu, không đặc sắc, mang màu sắc hội chợ hơn tuyến phố đi bộ văn minh.
Sơn HàTrở lại Thời sựTrở lại Thời sựChia sẻ ×