Nữ bệnh nhân tiêm chất làm tan mỡ bụng tại một cơ sở thẩm mỹ ở Đồng Tháp bởi được quảng cáo "tiêm tới đâu, giảm mỡ tới đó". Khi vùng bụng xuất hiện các cục u rải rác, chị trở lại cơ sở thẩm mỹ kiểm tra, được nhân viên nơi đây cho thuốc uống, tình trạng ngày càng nặng. Các ổ mủ xuất hiện nhiều, sưng to, được xử trí rạch da, nặn mủ, kháng sinh vẫn không hiệu quả nên bệnh nhân đến TP HCM điều trị.
"Khi tôi hỏi nhân viên cơ sở thẩm mỹ về nguyên nhân bụng bị hoại tử thì họ giải thích là do tôi còn trinh. Họ nói tất cả bệnh nhân ở đây trước khi tiêm tan mỡ đều phải cho biết tình trạng trinh tiết, nếu còn 'con gái' thì không nên tiêm vì sẽ hoại tử", bệnh nhân chia sẻ. Chị thắc mắc đã sinh hai con "làm sao còn trinh", được cho biết chị có "hai ngả âm đạo, một ngả đã sinh con, ngả còn lại vẫn còn trinh".
Ngày 10/8, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW, cho biết chẩn đoán hình ảnh ghi nhận lớp mỡ dưới da của bệnh nhân có nhiều ổ áp xe và hoại tử hóa dịch đường kính từ 14 đến 18 mm, ổ hoại tử nằm sâu nhất cách da 15 mm. Bệnh nhân cần phẫu thuật nạo hút toàn bộ ổ áp xe hoại tử trong lớp mỡ dưới thành bụng, đồng thời đặt máy hút áp lực cao để có thể hút triệt để dịch mủ, ngăn nguy cơ nhiễm trùng, kết hợp sử dụng kháng sinh và điều trị kéo dài.
Theo bác sĩ Dung, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp áp xe, hoại tử vì tiêm chất tan mỡ vào người, song "cách giải thích 'do còn trinh' của nhân viên cơ sở thẩm mỹ cho trường hợp này quá lạ lùng". Hầu hết cơ sở tiêm xảy ra biến chứng đều là nơi làm chui, không phép, thủ thuật không phải do nhân viên y tế thực hiện. Có bệnh nhân bị thủng 15 lỗ to ở bụng. Một bệnh nhân bị áp xe ăn sâu vào vùng khí quản và mạch máu lớn, hình thành vết cắt dài khoảng 15 cm do tiêm thuốc tan mỡ nọng cằm.
Đến nay, Việt Nam chưa cho phép sử dụng thuốc tiêm tan mỡ để giảm cân. Bác sĩ khuyến cáo mọi người cần cảnh giác, trước khi đưa bất cứ loại thuốc nào vào cơ thể phải tìm hiểu kỹ về loại thuốc đó có được Bộ Y tế cấp phép hay chưa, có an toàn với cơ thể không. Tuyệt đối không nên tự tiêm hoặc đưa người không phải là bác sĩ, không có chuyên môn ngành y thực hiện.
Năm ngoái, cô gái 29 tuổi nhiễm trùng nặng, hoại tử bụng, lưng, hông sau khi tiêm thuốc tan mỡ ở một spa tại TP HCM, phải điều trị hơn nửa năm tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ điều trị đánh giá hoại tử "khủng khiếp chưa từng thấy", vết thương sau khi khâu xong liên tục bung ra thay vì một tuần sẽ lành. Thuốc không chỉ làm tan tế bào mỡ mà còn phá hủy màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh, bao gồm các chất giúp lành thương nên vết thương rất chậm hồi phục, hoại tử ngày càng lan rộng.
Bác sĩ khuyến cáo không nên dùng chất tiêm tan mỡ để làm đẹp vì còn thiếu căn cứ khoa học. Mọi người tăng cường vận động và thay đổi chế độ ăn để giảm béo. Người có nhu cầu can thiệp giảm béo, giảm lượng mỡ để thay đổi vóc dáng, phải được thăm khám trực tiếp bởi bác sĩ thẩm mỹ để đưa ra những lựa chọn phù hợp.
Nếu chẳng may đã tiêm thuốc tan mỡ gây tai biến, cần phải đến viện để lấy chất này ra càng sớm càng tốt, để lâu sẽ gây hoại tử lan rộng khó cứu chữa.
Lê Phương