Mặc dù thị trường lao động hiện nay cơ bản ổn định, song theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, một số ngành (may mặc, giày da, chế biến gỗ...) vẫn còn gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, nguồn cung nguyên vật liệu, các yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu nên phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động.
Công nhân ngành may lo mất việc và thất nghiệp.
Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay, cần có các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) và kết nối việc làm cho người lao động.
Chưa có dấu hiệu dừng lại
Ông Nguyễn Phước Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (Huba) chỉ rõ, trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may giảm khoảng trên 8% so với cùng kỳ. Nhiều DN đang phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động.
Còn ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 44,4 tỷ USD. Trong quý I/2023, giá trị xuất khẩu của các DN dệt may đạt hơn 5,8 tỷ USD, giảm gần 19% so với cùng kỳ. Hiện tại ngành dệt may đang đối mặt với nhiều thách thức.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến tháng 3/2023 có 56.000 lao động bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm đơn hàng. Trong đó, có đến 55.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng.
Cắt giảm lượng lớn lao động phải kể đến Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam. Mới đây phía DN này báo cáo với các cơ quan quản lý sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 5.774 người có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, tương đương 10% trên tổng số 50.500 lao động. Trước đó, tháng 2/2023, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cũng thực hiện thông báo chấm dứt hợp đồng với 2.358 lao động kể từ ngày 1/4/2023.
Không chỉ một số DN tại TPHCM cắt giảm lao động, đầu tháng 3 vừa qua, tại Đồng Nai ghi nhận 3 DN cắt giảm hơn 2.000 lao động vì thiếu đơn hàng. Cụ thể, Công ty TNHH Pousung Việt Nam giảm 1.000 người, Công ty TNHH Pou Phong Việt Nam giảm 227 người và Công ty TNHH Taekwang MTC Vina chấm dứt hợp đồng với gần 800 lao động.
Theo ông Vũ Đức Giang, khi thị trường yếu đi thường có chu kỳ khoảng 12 – 14 tháng. Vì vậy, khó khăn của năm 2023 sẽ còn kéo dài, trường hợp xấu nhất mà ngành dự kiến sẽ kéo dài lên đến 24 tháng.
Kết nối, giới thiệu việc làm
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, tình hình thiếu đơn hàng dự báo tiếp diễn nên số lượng lao động bị cắt giảm chưa dừng lại. Khảo sát hơn 1.000 công nhân ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai của Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (SocialLife) cho thấy, có 15,5% người lựa chọn sẽ về quê trong thời gian tới, 44,6% người lưỡng lự và 39,9% người chưa có dự định.
“Những người về quê có 2 nhóm, với người trẻ khi hồi hương sẽ tiếp tục làm việc trong các nhà máy gần nhà. Lao động lớn tuổi trở về với nông nghiệp” - PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội SocialLife cho biết.
Ông Ngô Xuân Liễu – Giám đốc Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm nhận định, các DN sử dụng nhiều lao động đã, đang và sẽ cắt giảm lao động sẽ gây áp lực lớn cho các địa phương trong việc giải quyết việc làm cũng như an sinh xã hội. Vì vậy, cần phải có giải pháp cho vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM phối hợp với công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam đã tổ chức khảo sát nguyện vọng việc làm, tư vấn – giới thiệu việc làm. Đồng thời, chuẩn bị nhu cầu tuyển dụng của 16 DN với 4.960 vị trí việc làm trong các lĩnh vực: may mặc, nhân viên bán hàng, nhân viên phục vụ ăn uống, lễ tân,... Đảm bảo người lao động có việc làm ổn định trong thời gian ngắn nhất.
Theo ông Lâm, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cần chủ động nắm tình hình quan hệ lao động, biến động lao động để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Song song đó, hướng dẫn, hỗ trợ các DN, người sử dụng lao động thực hiện đúng các chế độ, chính sách theo quy định.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện tình hình lao động, việc làm tiếp tục duy trì đà phục hồi. Sự phục hồi này kéo theo tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động cũng giảm. Theo thống kê, trong quý I, có 205.128 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 8.233 người so với quý IV/2022 và giảm 2.500 người so với cùng kỳ của năm 2022.
Chủ đề: người lao động việc làm kết nối cho