( PHUNUTODAY ) - Thu nhập bao nhiêu mới đủ sống ở thành phố lớn có lẽ là câu hỏi khó nhằn với người trẻ, đặc biệt là sinh viên mới ra trường. Thậm chí từng có nhiều ý kiến cho rằng, người lao động nhận lương dưới 10 triệu đồng/tháng mà không có sự giúp đỡ từ gia đình rất khó để trang trải hết sinh hoạt phí.
Hai bạn trẻ dưới đây, mỗi người một câu chuyện và hoàn cảnh khác nhau, đều từng có thời gian chắt bóp chi tiêu với tiền lương trung bình 7 triệu đồng. Đi qua thời gian khó khăn, họ đều cho rằng mức thu nhập khiêm tốn đã dạy bản thân ít nhiều về cách kiểm soát tài chính.
Đi bộ đi làm, hạn chế dùng điều hòa, ở nhà thuê chỉ 1,3 triệu đồng/tháng
Hoàng Linh (Hà Nội, 25 tuổi, nhân viên văn phòng) đang nhận mức lương 12 triệu đồng. Thời điểm mới ra trường, Linh từng có thu nhập chỉ vỏn vẹn 6-7 triệu đồng, cao hơn thì 8-10 triệu. Lúc bấy giờ, dù thu nhập không cao song cô đã lên kế hoạch chi tiêu cụ thể theo năm, sau đó tách nhỏ từng tháng.
Với mức lương dao động trong 7 triệu đồng, Linh chia thành 5 khoản:
- Tiền gửi về cho bố mẹ: Đây là khoản chi tiêu được Linh trích ra đầu tiên, chiếm 30% lương. Có những tháng bố mẹ Linh không cần dùng đến tiền con gái gửi, họ sẽ thay cô mua vàng để tích lũy.
- Tiền tiết kiệm: Linh cố gắng dành ít nhất 20% lương cho quỹ này. Nhờ khoản tiền tiết kiệm, Linh đã có thể mua được nhiều món đồ giá trị cho bản thân. Chẳng hạn, cuối năm 2020 Linh mua được xe máy đầu tiên, giá 33 triệu đồng. Hay đến năm 2021, cô giúp bố mẹ trả nợ 40 triệu tiền ngân hàng.
- Chi phí sinh hoạt: Linh gọi đây là "khoản tiền nhà trọ mỗi tháng, cùng những chi tiêu bắt buộc để có thể sinh tồn trên thành phố". Nhờ biết tiết kiệm, Linh chỉ dành 1,3 triệu đồng cho khoản này.
- Tiền học cho em: Trung bình 3-4 tháng, Linh gửi 5 triệu đồng giúp bố mẹ trang trải học phí cho em như mua sách vở, đóng tiền học thêm...
- Chi phí khác: Đây là chi phí không cố định hàng tháng, bao gồm các khoản phát sinh như tiền ăn uống, xe cộ, quần áo, Internet... Cô dùng với số tiền thu nhập còn lại sau khi trừ các khoản chi phí kể trên, cụ thể là dưới 3 triệu đồng.
Sống tại thành phố đắt đỏ, Linh đã xoay xở đủ đường để chi tiêu với 7 triệu đồng/tháng mà không cần vay nợ.
Cô kể: "Có những tháng mình phải ăn mì tôm cả chục ngày, quần áo vài tháng mới dám mua vì yêu cầu công việc, đi bộ đi làm khi trong túi chẳng còn nổi 50k đổ xăng. Những khó khăn này mình đều giấu bố mẹ để họ bớt lo. Nghĩ lại khoảng thời gian đó mình thấy bản thân đã rất mạnh mẽ mới vượt qua được".Hoàng Linh cũng bật mí thêm, có đến vài tháng cô gói gọn chi tiêu trong 2 tuần cuối trước khi lấy lương với số tiền 500k: "Không phải sống quá tiết kiệm, mà chỉ đơn giản là mình không muốn vay nợ ai nên cố sống sót tới khi nhận lãnh lương tháng.Với số tiền 500k mà phải chi tiêu ăn uống trong 2 tuần, mình đã tính toán kỹ càng để số ngày ăn mì tôm càng ít càng tốt. Mình mua sẵn 2kg gạo, 1kg miến để trữ tinh bột. Thêm đó là các loại rau củ như khoai lang, khoai tây... Đây là những món ăn vừa dễ làm, vừa no bụng. Sau đó thì chia nhỏ tiền rồi mua thêm ít thịt, ít trứng. Xong xuôi chuyện ăn uống, mình để lại ít tiền phòng trừ bất trắc. Hai tuần đó mình cũng đổi sang đi xe buýt để đỡ tốn xăng xe".
Cho đến hiện tại, khi đã có mức lương gần gấp đôi thu nhập cũ, song Hoàng Linh vẫn chi tiêu vô cùng tiết kiệm. Cô có một số mẹo chắt bóp tiền lương hiệu quả, song đánh đổi là chất lượng sống sẽ giảm đi đáng kể. Chẳng hạn trong 1 năm, Linh chỉ mua 5-6 bộ quần áo, giày dép hoặc túi xách. Hầu hết trang phục đều là đồ cơ bản, chất liệu bền để Linh dùng được lâu. Bên cạnh đó, Linh còn thường xuyên săn tìm các chương trình khuyến mại của siêu thị, giá trị lên đến 50-70%.
Sau tất cả, Linh cho rằng việc "bớt khoản này khoản kia" chỉ là kế sách tạm thời. Do đó, cô luôn nỗ lực trong công để cải thiện thu nhập: "Tiết kiệm thì rất tốt, nhưng tốt hơn là khi có nhiều tiền mà vẫn biết tiết kiệm!", Linh nhận định.
Thuê trọ 10m2, chạy xe điện đi làm
Từng trải qua quãng thời gian phải tính toán từng đồng một vì lương thấp, Hà Giang (26 tuổi, Hòa Bình) nhận định: Kiếm được bao nhiêu tiền rất quan trọng - nó là tiền đề để bạn tiết kiệm hoặc quản lý chi tiêu.
Đơn cử như hồi mới ra trường, Giang nhận lương chỉ 5 triệu đồng/tháng, không có sự giúp đỡ về mặt tài chính từ cha mẹ. Bấy giờ, cô gái chỉ có một nỗi lo rằng làm sao cân đo đong đếm đủ sống ở Hà Nội. Trong 2 năm tiếp theo, Giang đã cố gắng thắt chặt mọi chi tiêu, chẳng hạn thuê nhà 10m2 và chạy xe điện đi làm.
"Tiền lương kiếm được hạn chế, mình chọn thuê nhà xa để bớt tiền. Một phòng nhỏ chỉ hơn 10m2, trần tường khá ẩm thấp nếu mùa mưa. Khi nào mưa rào hoặc có bão thì trọ còn bị dột. Tránh đâu cũng không được nên mình đành thức gần cả đêm. Trong những ngày tháng đó, mình luôn tự nhủ phải tìm cách rời khỏi đây càng sớm càng tốt", Giang nhớ lại.
Đến thời điểm hiện tại, cô thành công nâng mức thu nhập lên 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Giang còn nhận được phụ cấp ăn trưa và tiền xăng xe từ công ty.
Tiền lương tăng cũng là thời điểm Giang bắt đầu quan tâm hơn đến việc quản lý chi tiêu. Thu nhập hiện tại không phải con số quá cao, song đủ để cô có khoản tiết kiệm đầu tiên trong đời. Cụ thể, cô dành dưới 30% thu nhập cho nhà trọ, ăn uống, đi lại và nhu cầu cơ bản. Sau đó, cô dùng 20% tiền lương gửi về nhà và 50% còn lại để dành dụm thực hiện mục tiêu mục tiêu mua xe máy.
Tiền lương hưu cao nhất mà cán bộ hưu trí được hưởng sau tháng 7/2023 là bao nhiêu?Những ai sẽ được tăng lương, cách tính lương công nhân viên chức mới nhất từ tháng 7/2023?