'Giấc mơ ướt' là việc đạt cực khoái tự phát trong khi ngủ hay còn gọi là mộng tinh. Hiện tượng này có đáng lo ngại và có ảnh hưởng tới sức khỏe không?
Những người đã trải qua tuổi dậy thì từng gặp phải những "giấc mơ ướt", mặc dù chúng thường gặp nhất ở độ tuổi thiếu niên. Tình trạng mộng tinh không xảy ra với tất cả mọi người nhưng là hiện tượng hoàn toàn bình thường.
Theo BS chuyên khoa Nam học Nguyễn Bá Hưng, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, thông thường mộng tinh còn có tên gọi khác là "giấc mơ ướt", bởi sau mộng tinh, người đó sẽ thức dậy với một bộ đồ, chăn nệm ướt do tinh dịch, tinh trùng được giải phóng trong quá trình xuất tinh. Thuật ngữ này dùng chung cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, ở nữ giới hiện tượng này xảy ra không nhiều.
1. Chuyện gì xảy ra khi mơ ướt?
Đối với nam giới, giấc mơ ướt đi kèm với việc giải phóng tinh dịch (xuất tinh). Ở phụ nữ, có thể có sự giải phóng chất lỏng trong suốt từ niệu đạo khi đạt cực khoái trong lúc ngủ.
Đôi khi, một người chỉ có thể nhận ra mình đã mơ ướt khi ga trải giường hoặc đồ lót của họ ẩm ướt vì tinh dịch hoặc dịch âm đạo . Có những lúc khác, cực khoái trong giấc mơ ướt có thể dữ dội đến mức khiến cho họ đột ngột thức giấc.
Cực khoái trong giấc mơ ướt có thể dữ dội đến mức khiến cho họ đột ngột thức giấc.
2. Độ tuổi bắt đầu và kết thúc của "giấc mơ ướt"
Mộng tinh có thể bắt đầu ở độ tuổi 13 hoặc 14. Khoảng 38% nam thanh thiếu niên từng trải qua mộng tinh trước khi biết đó thực sự là gì. "Giấc mơ ướt" thường phổ biến hơn trong những năm tuổi thiếu niên vì hormone sinh dục tăng cao.
Mộng tinh cũng phổ biến hơn trong thời gian kiêng quan hệ tình dục kéo dài. "Giấc mơ ướt" có xu hướng ít xảy ra hơn theo tuổi tác nhưng vẫn có thể tiếp tục sau tuổi dậy thì.
Không phải ai cũng trải qua giấc mơ ướt. Một cuộc khảo sát trên hơn 1.000 nam giới và hơn 1.000 nữ giới cho thấy lần lượt có 66% và 42% trong số họ đã trải qua ít nhất một giấc mơ ướt.
3. Nguyên nhân nào gây ra hiện tượng mộng tinh?
Trong khi ngủ, lưu lượng máu đến các cơ quan sinh dục có thể tăng lên. Đối với nam giới, điều này có thể dẫn đến cương cứng. Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng "cậu nhỏ buổi sáng" - khi thức dậy với sự cương cứng, thường là không xuất tinh nhưng đôi khi có dịch tiền tinh dịch (tiền xuất tinh).
Xuất tinh ban đêm khác ở chỗ cực khoái xảy ra trong giấc mơ ướt. Nguyên nhân cơ bản chưa được biết nhưng có một số giả thuyết. Trong đó có thể liên quan đến:
Giấc mơ về "chuyện ấy": Giấc mơ này có thể dẫn đến cực khoái ở một số người, mặc dù chúng không phải là điều kiện tiên quyết. Tăng đột biến testosterone ở thanh thiếu niên : Mộng tinh có liên quan đến nồng độ testosterone cao. Testosterone là một hormone sinh dục chính ở nam giới, sẽ tăng đột biến trong những năm thiếu niên cho đến đầu tuổi trưởng thành. Kích thích bộ phận sinh dục: Có thể việc cọ xát bộ phận sinh dục trong khi ngủ (như với ga trải giường hoặc nằm sấp) có thể gây ra kích thích tình dục ngoài ý muốn. Điều này có thể góp phần vào khả năng xảy ra giấc mơ ướt.
Mộng tinh cũng có liên quan đến việc xem ti vi. Một nghiên cứu cho thấy nam thanh thiếu niên xem ti vi nhiều hơn 3 giờ mỗi ngày thường xuyên bị mộng tinh hơn.
Nguyên nhân gây ra chứng xuất tinh ban đêm ở phụ nữ vẫn chưa rõ ràng, một phần là do hiện tượng mộng tinh ở phụ nữ khó xác định hơn do không xuất tinh.
4. Mộng tinh thường xuyên có gây hại sức khỏe?
Mộng tinh là bình thường và tự nhiên. Nếu bạn thường xuyên gặp phải, điều đó cũng bình thường. Chúng không gây hại cho sức khỏe và không phải là dấu hiệu cho thấy bạn có vấn đề tiềm ẩn.
Mộng tinh không làm giảm khả năng miễn dịch của mỗi người và cũng không làm yếu sinh lý. Một số khác tin rằng, mộng tinh khiến con người miễn dịch kém hơn với các bệnh như cảm lạnh, nhiễm trùng - đây là một định kiến hoàn toàn không có cơ sở.
BS chuyên khoa Nam học Nguyễn Bá Hưng, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội:
Mộng tinh có thể làm giảm lượng tinh trùng dư thừa trong túi tinh, đây là chức năng lành mạnh cho hệ thống sinh sản ở nam giới.
5. Làm thế nào để ngừng gặp phải tình trạng mộng tinh?
Mộng tinh là bình thường nhưng một số người tin rằng có một số cách để giảm tần suất mộng tinh xảy ra. Một cách là quan hệ tình dục nhiều hơn hoặc thủ dâm thường xuyên hơn, kết thúc bằng cực khoái và xuất tinh. Điều này có thể làm giảm nhu cầu xuất tinh trong khi ngủ của nam giới.
Giảm tiếp xúc với bộ phận sinh dục cũng có thể hữu ích. Hãy thử ngủ nghiêng hoặc nằm ngửa thay vì nằm sấp để xem có hiệu quả không. Bạn cũng có thể thử mặc quần ngủ thay vì ngủ khỏa thân.
Trong những trường hợp hiếm hoi mà giấc mơ ướt gây phiền toái, bác sĩ có thể kê đơn thuốc làm giảm tần suất giấc mơ ướt nhưng chúng cũng có thể khiến nam giới khó xuất tinh khi thức.
Hãy thử ngủ nghiêng hoặc nằm ngửa thay vì nằm sấp để tránh gặp phải "giấc mơ ướt".
6. Cần làm gì nếu bạn gặp phải "giấc mơ ướt"?
Thông thường, bạn sẽ cần phải giặt sạch ga trải giường hoặc quần áo bị ướt vì tinh dịch hoặc dịch âm đạo.
Nếu vết bẩn còn mới, hãy rửa sạch khu vực đó bằng nước lạnh trước khi giặt bình thường. Đối với vết bẩn cũ, hãy dùng bàn chải mềm để chà sạch mọi lớp vảy. Sau đó thấm vết bẩn bằng sản phẩm có chứa enzyme trước khi giặt bình thường. Nếu ga trải giường làm bằng len hoặc lụa, bạn có thể pha nước ấm và chất tẩy rửa nhẹ trước khi giặt.
Nếu tình trạng mộng tinh xảy ra một vài lần trong tuần thì không có hại cho sức khỏe và hiện tượng này sẽ giảm dần theo tuổi rồi tự nhiên hết (đặc biệt là sau khi lập gia đình). Về nguyên tắc, mộng tinh không cần điều trị mà cần phải có một tâm lý tốt. Nếu những "giấc mơ ướt" ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của chuyên gia tâm lý, hay bác sĩ chuyên ngành tiết niệu, nam khoa để có được liệu pháp điều trị hiệu quả.