Kỳ tích của cô học trò người Rục
Em Cao Thị Lệ Hằng (SN 2004) là người đồng bào Rục, thuộc dân tộc Chứt ở bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Em đỗ đại học với số điểm 25,5, trở thành nữ sinh người Rục đầu tiên đỗ đại học. Hằng đã nộp hồ sơ và trúng tuyển vào Trường đại học Sư phạm Huế.
Em Cao Thị Lệ Hằng (SN 2004), trú bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa trở thành người đầu tiên của đồng bào Rục đỗ đại học (Ảnh: Tiến Thành).
Tin Hằng đỗ đại học về thôn bản, như một bông hoa đẹp nở giữa rừng khiến bà con xôn xao, vui mừng. Những ngày qua, ngôi nhà cấp 4 của gia đình Hằng đông vui hơn khi bà con lối xóm, các chú bộ đội biên phòng (BĐBP) đến chúc mừng.
Gia đình Hằng có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, bố mất sớm, nhà lại đông con, mẹ em đã một mình bươn chải nuôi cả 8 người con, cũng bởi vậy, con đường tương lai cô học trò nghèo đối diện nhiều thách thức.
Hằng là một trong những học sinh đồng bào dân tộc được BĐBP Quảng Bình hỗ trợ học tập theo chương trình "Nâng bước em đến trường" (Ảnh: P.P).
Vậy nhưng, Hằng đã quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Từ nhỏ, Hằng đã luôn nỗ lực vượt khó, hăng say học tập và nuôi dưỡng nhiều ước mơ, cô gái ấy như một bông hoa luôn vươn lên giữa núi rừng.
Một trong những động lực giúp Hằng theo đuổi con chữ chính là sự hỗ trợ từ Đồn Biên phòng Cà Xèng. Từ năm 2016, thấy Hằng hiếu học, lại có hoàn cảnh khó khăn, Đồn Biên Phòng Cà Xèng đã nhận chăm sóc em theo chương trình "Nâng bước em đến trường", mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng. Nhờ vậy, Hằng đã có điều kiện theo học đến hết cấp 3 và thi vào đại học.
Hằng chính là tấm gương, động lực để các em nhỏ người dân tộc tiếp tục nỗ lực trong học tập, vươn lên trong cuộc sống (Ảnh: P.P).
Hằng chia sẻ, chính tình cảm cùng những động viên của thầy cô giáo, các chú bộ đội và những tấm lòng hảo tâm đã trở thành nguồn động viên thiết thực trên nhiều mặt, giúp nữ sinh người Rục tự tin hơn và nay đã hoàn thành được giấc mơ vào đại học.
"Em rất vui khi nhận được giấy báo đỗ vào ngôi trường đại học mà em yêu thích. Em rất cảm ơn các chú BĐBP Cà Xèng, thầy cô đã giúp đỡ em và gia đình thời gian qua. Em sẽ cố gắng hơn để xứng đáng với tình cảm và sự giúp đỡ của các chú, mọi người và gia đình dành cho em…", Hằng chia sẻ.
Theo đuổi giấc mơ làm cô giáo
Không chỉ các cán bộ, chiến sỹ BĐBP, trong thời gian theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình, cô học trò Cao Thị Lệ Hằng cũng nhận được sự quan tâm, yêu thương rất lớn từ các thầy cô.
Không chỉ chăm ngoan, học giỏi, Lệ Hằng còn rất chịu thương, chịu khó, hỗ trợ mẹ trong công việc (Ảnh: P.P).
Cô giáo Nguyễn Thị Dung, giáo viên chủ nhiệm lớp 12B đã theo sát quá trình học tập và dìu dắt Hằng suốt 3 năm em theo học tại trường. Cô Dung cho biết, rất cảm động trước tinh thần vượt khó vươn lên của cô học trò người Rục và càng vui mừng hơn khi nhận được tin Hằng đã hoàn thành xuất sắc cột mốc quan trọng trong đời người là trúng tuyển vào ngôi trường mơ ước với điểm số cao.
"Trong quá trình học tập Hằng luôn có ý thức vươn lên, sống hòa đồng và rất vui vẻ với mọi người xung quanh. Mọi công việc được giao em đều hoàn thành rất tốt. Khi nghe tin Hằng đỗ đại học, không chỉ giáo viên chủ nhiệm mà cả tập thể giáo viên, hội đồng sư phạm rất vui mừng vì kết quả này", cô Dung cho biết.
Khi nghe tin Hằng đỗ Đại học, không chỉ giáo viên chủ nhiệm mà cả tập thể giáo viên, hội đồng sư phạm rất vui mừng vì kết quả này (Ảnh: Tiến Thành).
Hằng cũng tâm sự, từ nhỏ, mong muốn của em là trở thành cô giáo mầm non, trở về bản làng tiếp tục ươm mầm trẻ thơ, do đó em đã nộp hồ sơ và trúng tuyển vào Trường đại học Sư phạm Huế.
Sau khi nghe tin nữ sinh người Rục Cao Thị Lệ Hằng, học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình, trúng tuyển vào Trường đại học sư phạm Huế, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Ban Dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã đến trao thưởng và động viên để Hằng thêm nghị lực bước vào giảng đường đại học.
Hằng và bạn học đón nhận tình cảm chúc mừng từ các ban ngành, đơn vị (Ảnh: T.V).
Trong đó, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã quyết định hàng tháng sẽ trích 3 triệu đồng tiền lương để hỗ trợ sinh hoạt phí cho em trong 4 năm học (mỗi năm 12 tháng).
Đáp lại tình cảm của các bác lãnh đạo, thầy cô, các chiến sĩ BĐBP và các nhà hảo tâm, nữ sinh người Rục Cao Thị Lệ Hằng cũng đã gửi lời cảm ơn và quyết tâm cố gắng học tập để trở về giúp đỡ bản làng.