Tuổi teen là độ tuổi từ 13 - 19 tuổi theo cách gọi của quốc tế. Còn ở Việt Nam, tuổi teen được nhiều bố mẹ gọi cho cả lứa thiếu niên từ 11 - 16 tuổi.
Ở độ tuổi này, hầu hết trẻ nghĩ mình đã lớn và khao khát sự tự do, riêng tư. Trẻ cũng cần không gian riêng và bắt đầu phân định ranh giới cho bản thân. Mặt khác, trẻ em bước vào tuổi dậy thì thường nổi loạn, nóng nảy, thiếu kỷ luật.
Ảnh minh họa
Trong đó, vấn đề lớn nhất giữa trẻ trong độ tuổi này và cha mẹ là khó khăn trong giao tiếp. Đa phần phụ huynh than vãn và chỉ trích con cái vì hành vi bốc đồng, thiếu kiểm soát của con trẻ.
Dẫu biết rằng sự nổi loạn ở thanh thiếu niên là một phần tự nhiên trong quá trình trưởng thành, nhưng việc tìm ra giải pháp đối phó có thể khiến cha mẹ nản lòng. Nếu đang ở trong tình cảnh này, những lời khuyên của các chuyên gia tâm lý dưới đây sẽ giúp cha mẹ giải tỏa nỗi lo.
Tôn trọng cảm xúc ngang ngược của con
Hành vi thách thức của thanh thiếu niên thường cho thấy nỗi sợ hãi hoặc vấn đề tiềm ẩn mà chúng đang gặp phải. Thay vì chỉ phản ứng với hành vi bên ngoài của con, cha mẹ hãy cố gắng nhìn sâu vào bên trong và hiểu những hành vi đó đến từ đâu.
Bởi đây là độ tuổi dậy thì, trẻ thường nhạy cảm, có những thay đổi khác biệt trong tâm sinh lý nên cha mẹ cần cố gắng chấp nhận cảm giác của con, ngay cả khi bạn tin rằng phản ứng của con bị thổi phồng quá mức.
Khích lệ các hành vi tích cực
Thanh thiếu niên muốn cảm thấy được đánh giá cao vì những điều chúng đang làm đúng. Nếu cha mẹ chỉ chú ý đến những điều con làm sai, việc con tuân theo các nội quy trong nhà sẽ khiến con cảm thấy vô nghĩa.
Ví dụ, nếu bạn thấy cậu con trai tuổi teen của mình làm điều gì đó mà bạn yêu cầu hoặc cư xử theo cách phù hợp với nội quy trong nhà, hãy thừa nhận và khích lệ. Đừng quên cảm ơn con vì bất cứ điều gì con đã làm, ngay cả khi đó là điều rất nhỏ nhặt.
Ảnh minh họaThiết lập ranh giới rõ ràng
Đặt quy tắc và giới hạn rõ ràng với con là điều cần thiết ở độ tuổi này của trẻ. Trẻ tuổi teen thường có những hành vi bộc phát, thiếu suy nghĩ. Vì vậy, cha mẹ nên nhất quán về những hành vi mà mình sẽ không dung thứ nếu con phạm phải.
Ví dụ, nếu con bắt đầu la hét và cáu giận, bạn có thể nói với chúng rằng cáu giận là được nhưng việc chúng “giận cá chém thớt” lên bố mẹ là không phù hợp và thiếu tôn trọng.
Áp đặt hậu quả đối với hành vi xấu
Khi con vượt qua giới hạn đã được thiết lập, hãy thực thi hậu quả bằng cách kỷ luật. Trong trường hợp này, kỷ luật không giống như hình phạt.
Thông thường, hình phạt xuất phát từ sự tức giận và mong muốn trẻ làm theo những gì cha mẹ yêu cầu. Mặt khác, kỷ luật tích cực xuất phát từ sự tôn trọng lẫn nhau, sự rõ ràng và lòng khoan dung.
Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em có sức khỏe tinh thần tốt hơn và lòng tự trọng cao hơn khi chúng được nuôi dạy với phong cách ấm áp và chấp nhận đồng thời đặt ra những kỳ vọng rõ ràng.
Ảnh minh họaKhông bắt ép con
Ở độ tuổi teen, trẻ trưởng thành hơn, cá tính hơn, cái “tôi” lớn hơn và có quan điểm của riêng mình. Chúng cần được đưa ra quyết định của riêng mình và thể hiện bản thân theo những cách mà chúng cảm thấy thoải mái.
Nếu cha mẹ quá soi mói mọi việc mà con làm, con sẽ nghĩ rằng không có việc gì mình làm là đủ tốt. Vì vậy, cha mẹ nên hạn chế việc kiểm soát con quá mức trong giai đoạn này. Chẳng hạn, cần tránh đặt ra các quy tắc về lựa chọn trang phục, ngoại hình hoặc những biểu hiện khác về cá tính của con.
Thay vào đó, hãy ứng xử một cách khôn ngoan. Tốt nhất, phụ huynh chỉ nên đặt ra quy tắc nhất quán cho những hành vi không an toàn hoặc thiếu tôn trọng và bỏ qua những vấn đề nhỏ hơn.
Trao quyền cho con
Thay vì áp đặt những hậu quả và hình phạt cứng nhắc, hãy cho phép con lấy lại các đặc quyền và sự độc lập của mình thông qua một số hành vi tốt. Đây được xem như cách giúp con tự chuộc lỗi cho các hành vi của bản thân và xây dựng thói quen tốt.
Chẳng hạn, nếu bạn tạm giữ điện thoại của con vì con trốn bài tập về nhà để đi chơi với bạn bè, hãy bày cho con cách lấy lại điện thoại như làm bài tập về nhà đúng giờ mỗi tối trong một tuần.
Ảnh minh họaBình tĩnh
Cha mẹ thường rất khó giữ bình tĩnh khi đối mặt với hành vi thách thức của trẻ tuổi dậy thì. Tuy nhiên, nếu bạn đáp lại sự thách thức của con bằng một cơn giận dữ bộc phát, con sẽ có xu hướng thực hiện nhiều hành vi thách thức hơn.
Nếu một hoặc cả hai bên đều quá kích động hoặc tức giận, hãy dành chút không gian cho đến khi bạn bình tĩnh lại. Sau đó, hãy dành thời gian quay lại cuộc thảo luận khi cả hai có thể suy nghĩ rõ ràng hơn.
Nhất quán quy tắc nuôi dạy con
Cha và mẹ hay kể cả là ông bà cần có sự nhất quán trong ranh giới, quy tắc và chiến lược nuôi dạy con cái. Nếu cha mẹ ít kiên quyết với ranh giới của mình, đứa trẻ ngang ngược sẽ nhận ra và cố gắng sử dụng nó để làm lợi thế cho mình.
Ví dụ, con có thể đến gặp bố hoặc mẹ hoặc ông bà, người mà con biết là dễ tính hơn để cố gắng tránh bị kỷ luật. Thậm chí, hành vi lôi kéo của con có thể khiến cha mẹ, ông bà chống lại nhau và gây ra nhiều vấn đề hơn cho cả gia đình.
Phương Anh (Theo Newport Academy