Cây hài Tấn Beo nói thấy bản thân may mắn khi là diễn viên, được khán giả yêu thương dù trải qua nhiều thăng trầm trong nghề.
Nghệ sĩ góp mặt ở một sự kiện giữa tháng 3 tại TP HCM, sau nhiều năm ít xuất hiện làng giải trí. Dịp này, Tấn Beo nói về cuộc sống và công việc ở tuổi 58.
- Khán giả hiện ít thấy Tấn Beo trên màn ảnh hay chương trình lớn, cuộc sống của anh thế nào?
- Cuộc sống tôi bình yên, cơm ăn ba bữa, quần áo đủ mặc. Tôi không đóng phim hay tham gia các show lớn nhưng vẫn nhận lời mời lưu diễn ở các tỉnh miền Tây, miền Trung mỗi tháng. So thời hoàng kim của sân khấu hài, tần suất đi show của tôi giảm hơn một nửa. Tôi chắt chiu thù lao lo cho vợ con vì là trụ cột gia đình. Không có nhà lầu, xe hơi nhưng tôi chẳng thấy buồn.
Vào nghề, tôi khấn tổ nghiệp cho bản thân trụ lâu trên sân khấu để nuôi cha mẹ, gia đình. Giờ tôi đã làm được. Khán giả còn thương là tôi hạnh phúc. Khi gặp trên đường, họ hỏi lâu không thấy Tấn Beo đóng phim, nghĩa là họ còn quan tâm, chờ mong. Tôi chỉ sợ mọi người nói: "Thằng này xuất hiện nhiều thấy nhàm lắm" và quay lưng với tôi.
Nghệ sĩ Tấn Beo tên thật là Tấn Danh, sinh năm 1965, con trai của nghệ sĩ vọng cổ Tấn Tài. Ảnh: Hoàng Dung- Anh nghĩ sao về việc bị nói hết thời?
- Với tôi, diễn xuất không có nấc thang cuối cùng nên không có hết hay lỗi thời. Công việc của tôi có thăng trầm. Khi thấy bản thân chững lại hay không có vai hay để đóng, tôi dành thời gian viết kịch bản, thực hiện video lên YouTube tương tác với người xem. Ở tuổi 58, tôi không tấu hài theo cách lăn lộn, nhảy nhót, mà hy vọng diễn được nội tâm thông qua lời thoại, ánh mắt, khuôn mặt.
- Nhớ lại thời hoạt động sôi nổi, anh có điều gì tiếc nuối?- Tôi giữ ký ức đẹp khi theo các đoàn văn công Cửu Long, Hậu Giang, Bến Tre, TP HCM đi khắp nơi, trải nghiệm nghề. Khi có chút tên tuổi, tôi được diễn chung với những gương mặt gạo cội như: Chú hai Diệp Lang, anh Năm Vũ Linh, chị Lệ Thủy. Tôi không còn gì tiếc nữa.
Tôi thấy làm nghệ sĩ còn sướng hơn cả đại gia. Đại gia có nhiều tiền nhưng chưa chắc ra đường người ta biết tên họ, tay bắt mặt mừng và ôm hôn như người thân trong gia đình. Nhiều lúc, chúng tôi không cần bỏ tiền mà vẫn được ăn ngon, mặc đẹp.
Tôi ý thức được sự nổi tiếng của mình nhưng không bao giờ tận dụng để bào show, luôn chọn lọc chương trình tham gia và giữ mình không rơi vào cám dỗ. Những thú vui như cờ bạc, rượu chè tôi đều biết, nhưng không mê. Tôi phải trải nghiệm những điều đó để áp dụng vào diễn xuất. Phải đi nhậu thì mới diễn được cách đi đứng, nghiêng ngả của một gã say như thế nào. Tất cả phục vụ cho một mục đích duy nhất là diễn trọn vẹn nhân vật mình đảm nhận. Tôi tự hào hơn 30 năm làm nghề, tôi vẫn giữ gìn được hình ảnh.
- Nhiều diễn viên hiện nay tham gia game show để duy trì độ nổi tiếng, còn anh thì sao?
- Tôi không thích tham gia game show dù biết đó là cách để diễn viên gần với khán giả, kiếm thêm tiền. Tôi thường được mời làm giám khảo, MC nhưng những công việc ấy không thuộc chuyên môn của tôi. Tôi là diễn viên, chỉ làm nghề mới phô được khả năng diễn xuất.
Nhiều lúc tôi áp lực khi lớp trẻ nổi tiếng quá nhanh chỉ sau một vài chương trình hay game show. Còn thế hệ chúng tôi để có được tên tuổi là một quá trình cố gắng dài hơi. Thời trước, nghệ sĩ phải thức khuya, dậy sớm, theo đoàn đi diễn mọi miền đất nước, vô vùng sâu, xa tiếp cận bà con rồi mới được biết đến chứ không phải chỉ được xem qua truyền hình, mạng như bây giờ. "Khách sạn" của chúng tôi thời đó là mái đình, trụ sở ủy ban hay trường học ở mỗi điểm đến và giường là chiếc chiếu mỏng. Tôi giữ niềm vui là phần lớn chúng tôi làm nghề vất vả, đi lên bằng thực lực chứ không phải do may mắn hay nhờ công nghệ lăng xê.
Tôi theo dõi thế hệ trẻ họ làm gì, rồi nhận ra nét diễn của nhiều người bị cũ, góp nhặt từ thế hệ trước rồi biến hóa cho phù hợp với thị hiếu hiện nay. Tôi không quá lo lắng về áp lực bị mất tên tuổi, mà thương các em hiện cũng không có gì hơn mình. Tôi bình tâm và tiếp tục giữ nét diễn riêng, nghiên cứu những nét diễn mới để khi nhắc đến tên Tấn Beo, khán giả không so sánh tôi với người khác.
Tấn Beo (áo xanh) cùng em trai Tấn Bo trong tác phẩm "Vì sao lên chùa" đoạt giải "Diễn viên, nhóm hài xuất sắc nhất" tại Gala Cười 2003. Video: YouTube 9 Music- Anh truyền nghề cho con trai - Tấn Lộc - ra sao?- Tôi không truyền cho con cái mà tự động con thích rồi theo cha rèn luyện nghề. Tấn Lộc cũng tham gia vài dự án phim nhưng chưa có định hướng lâu dài theo nghệ thuật. Tôi không ép buộc con cái phải nối nghiệp cha, nếu con đam mê tôi sẽ rất vui. Tôi cũng sẵn sàng giúp nếu Tấn Lộc có dự án riêng hoặc làm cùng bạn bè.
Hạnh phúc hiện tại của tôi là gia đình đầm ấm, con cái học hành đàng hoàng. Tôi may mắn sức khỏe tốt, hiện chưa bệnh tật gì. Tôi chỉ mong có thêm cơ hội đứng trên sân khấu thật lâu, mang đến tiếng cười, niềm vui cho khán giả.
Hoàng DungTrở lại Giải tríTrở lại Giải tríChia sẻ ×