Các chỉ số chức năng sống của bé được duy trì nhưng bác sĩ tiên lượng hồi phục rất chậm. Bệnh nhi nhiễm cúm và điều trị 7 ngày tại bệnh viện tỉnh nhưng không thuyên giảm. Đây là một trong hơn 2.600 trường hợp phải nhập viện do cúm A ghi nhận tại các cơ sở y tế ở thành phố Hà Nội từ đầu năm đến nay.
BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ bị biến chứng cúm nghiêm trọng, nguy cơ đặc biệt cao ở trẻ dưới 2 tuổi. Tong đó, bé dưới 6 tháng có tỷ lệ nhập viện, tử vong cao.
Theo chuyên gia, cơ chế của những ca tử vong bởi cúm do phản ứng viêm quá mức của cơ thể khi nhiễm virus cúm hoặc không phát hiện kịp thời. Trẻ dưới 6 tháng tuổi có tỷ lệ nhập viện, tử vong cao do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, vaccine cúm chưa được chỉ định cho bé ở độ tuổi này. Ngoài ra, các trường hợp tử vong liên quan đến một loạt biến chứng như viêm phổi, viêm thanh quản, tổn thương não và nhiều yếu tố nguy cơ như bệnh phổi, tim mạch.
Theo lý giải của bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, virus cúm gây ra 2 thể lâm sàng. Một thể cúm thông thường gây bệnh nhẹ có thể tự khỏi, một thể có tỷ lệ thấp hơn nhưng gây bệnh nặng, biến chứng phức tạp lên hệ thần kinh trung ương như viêm não, viêm phổi gây xơ phổi.
Giống như virus nCoV, virus cúm tấn công vào phổi đầu tiên, gây xơ phổi hoặc làm tổn thương tế bào niêm mạc đường hô hấp dưới, tạo điều kiện cho vi khuẩn như phế cầu khuẩn xâm nhập vào phổi dễ dàng, gây nên tình trạng nhiễm trùng nặng. Trẻ bị bệnh tim phải uống thuốc thường xuyên, virus cúm gây ra hội chứng Reye làm tổn thương gan, não.
Trẻ nhỏ tuổi mắc cúm nguy hiểm vì hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Ảnh: Freepik
Những trẻ có bệnh nền và trong độ tuổi đi học, tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài dễ bị mắc cúm hơn vì lây qua giọt bắn, dịch tiết khi nói chuyện, hắt hơi, ho khạc. Ngoài ra, ở thời điểm hiện nay, khi biến chủng mới BA.5 của virus nCoV khiến bệnh Covid-19 lây lan dễ dàng hơn, khả năng bé bị đồng mắc Covid-19 với virus cúm cao. Về bản chất, cả hai loại virus này đều tấn công nhiều nhất vào phổi, có thể gây viêm phổi nặng, suy hô hấp, phải thở máy, để lại di chứng nếu viêm não.
Cúm là bệnh ở đường hô hấp nhưng triệu chứng ảnh hưởng toàn bộ cơ thể như sốt, đau người, nhức đầu, viêm họng, ho nhiều, mệt mỏi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi. Trẻ em có thể có thêm các triệu chứng như buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy. Các triệu chứng cúm ở trẻ sơ sinh, trẻ dưới 2 tuổi sẽ nghiêm trọng hơn, gồm sốt, ớn lạnh, run rẩy, ho khan, mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy.
Vì chưa có vaccine cúm cho trẻ dưới 6 tháng nên một số quốc gia như Mỹ, Canada khuyến nghị tiêm ngừa cúm cho những người sống chung nhà có tiếp xúc với trẻ dưới 6 tháng tuổi. Ngoài ra, phụ nữ mang thai tiêm ngừa để bảo vệ cho mẹ và bé.
Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi nếu chưa tiêm ngừa cúm trước đó cần tiêm 2 mũi vaccine cúm cách nhau tối thiểu một tháng. Sau đó, bé tiêm nhắc hàng năm vì virus cúm biến chủng liên tục. Với trẻ từ 9 tuổi trở lên, người lớn, mỗi năm chỉ cần tiêm duy nhất một mũi vaccine cúm. Hiện nay có 4 loại vaccine cúm lưu hành tại Việt Nam.
Trong đợt dịch cúm A bùng phát tại Hà Nội, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận khoảng 250 trường hợp nặng do cúm, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi chiếm đến 44%. Trong khi đó, bệnh viện Nhi trung ương cũng ghi nhận hàng trăm ca mắc cúm, tăng nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Nhiều trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp, 45% trẻ mắc cúm A vào viện có hiện tượng co giật, 6% trẻ có biểu hiện viêm não.
Bên cạnh đó, BVĐK Tâm Anh Hà Nội đang điều trị cho gần 200 trường hợp là người lớn, trẻ nhỏ mắc cúm A, tăng 4-5 lần so với tháng 6. Trong đó có bệnh nhân vào viện trong tình trạng suy hô hấp, phải theo dõi tích cực các dấu hiệu biến chứng nặng để kịp thời can thiệp.
Theo một nghiên cứu vào năm 2020 tại Pháp trên 28.507 trường hợp trẻ dưới 2 tuổi, trẻ dưới 6 tháng tuổi nhập viện do cúm chiếm tỷ lệ cao nhất với 45,4%. Tại Mỹ, tỷ lệ nhập viện do cúm ở trẻ dưới 6 tháng dao động từ 240-720 trẻ trên 100.000 trường hợp.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh - CDC Mỹ thống kê, số trẻ tử vong do cúm năm 2019-2020 lên đến 199 ca. Đáng chú ý, trong đại dịch cúm A/H1N1, số trẻ tử vong do cúm tại Mỹ lên đến 358 ca, 60% ca tử vong do cúm xảy ra ở trẻ có bệnh lý nền như hen suyễn, tim mạch... Trong đó khoảng 80% trường hợp trẻ không tiêm vaccine cúm.
Hiếu Hiền