Từ câu chuyện ông già Noel tặng quà hay sự tồn tại của ông bụt, bà tiên,... đến kỷ luật con bằng cách nói dối "Nếu không ăn rau, không uống sữa, con sẽ không cao lên được nữa", đây là cách nhiều cha mẹ đang làm như một phần của việc nuôi dạy con cái.
Trong một nghiên cứu, 78% cha mẹ Mỹ và 100% cha mẹ Trung Quốc thừa nhận từng nói dối con cái. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc cha mẹ nói dối có thể có tác động quan trọng đến khả năng hòa nhập xã hội và hạnh phúc trong tương lai của trẻ.
Ảnh minh họa.Tác hại khi nói dối con cái
Theo Lý thuyết học tập xã hội do nhà tâm lý nổi tiếng người Mỹ, Albert Bandura đề xuất, trẻ em học từ việc bắt chước hành vi của cha mẹ, vì vậy việc nói dối trẻ có thể khiến chúng tin rằng nói dối là đúng và làm theo.
Một nghiên cứu khác cho thấy, nếu cha mẹ nói dối, con cái có thể nói dối lại cha mẹ mình. Một số bằng chứng cho thấy cha mẹ nói dối con có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự điều chỉnh tâm lý xã hội của trẻ và ảnh hưởng tiêu cực đến sự gắn bó của trẻ với cha mẹ. Ở mức độ cực đoan, việc cha mẹ nói dối có thể dẫn đến hành vi chống đối xã hội và bệnh tâm thần.
Lời nói dối đôi khi cũng có lợi
Trong nhiều trường hợp, cha mẹ dùng lời nói dối vì “muốn tốt cho con”.
Ngày bé, Thomas Edison mang tờ giấy về cho mẹ, bà Nancy. Mẹ ông sau khi đọc nội dung tờ giấy đã bật khóc. Tuy nhiên rất nhanh chóng, bà lấy lại bình tĩnh và đọc to tờ giấy đó với con: “Con trai của ông bà là một thiên tài! Nhưng ngôi trường này quá nhỏ, các giáo viên của chúng tôi cũng không có đủ năng lực để dạy dỗ cậu bé. Bởi vậy, xin ông bà hãy tự kèm cặp con trai mình”.
Nhiều năm sau đó, mẹ của Thomas đã qua đời, còn con trai bà thì trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 20, người được mệnh danh là “Thầy phù thủy ở Menlo Park” nhờ những sáng chế thiên tài cống hiến cho nhân loại. Một ngày khi Thomas xem lại những kỷ vật của gia đình, ông vô tình nhìn thấy lá thư của thầy giáo năm nào. Trên đó viết: “Con trai ông bà là đứa trẻ rối trí. Chúng tôi không thể chấp nhận cho trò ấy đến trường được nữa”.
Mẹ ông đã nói dối ông theo cách đó. Đôi khi những lời nói dối của cha mẹ lại bắt nguồn từ lòng thương con, từ việc đặt niềm tin vào tương lai của con.
Tuy nhiên, dù vì “muốn tốt cho con” thì cha mẹ cũng cần suy nghĩ kỹ càng trước khi nói dối trẻ, kể cả những lời nói tưởng chừng vô hại.
Ảnh minh họa.Cha mẹ nên lưu ý gì trước khi quyết định nói dối con cái?
Theo tiến sĩ Ronald E. Riggio của Đại học Claremont McKenna (California, Mỹ) cha mẹ nên lưu ý các điều sau.
Số lượng lời nói dối
Là người lớn, cha mẹ rất dễ tìm được những lí do để nói dối trẻ. Đôi khi, việc cha mẹ nói dối con cái trở thành thói quen để tránh sự tổn thương cho trẻ hoặc để kiểm soát hành vi của trẻ. Tuy nhiên, hạn chế tối đa việc nói dối con sẽ gây ra ít tác động tiêu cực hơn, so với việc nói dối thường xuyên.
Một số nghiên cứu cho thấy nếu cha mẹ tham gia vào cách nuôi dạy con theo phương pháp trao quyền, bao gồm hỗ trợ, đặt ra giới hạn thì một vài lời nói dối có thể có ít tác động tiêu cực. Ngược lại, những bậc cha mẹ độc đoán, hay trừng phạt và sử dụng những lời nói dối để giữ con trong khuôn phép có thể gây ảnh hưởng bất lợi hơn đến con.
Ảnh minh họa.Thử làm gương về sự trung thực
Vì trẻ em học hỏi và bắt chước cha mẹ nên việc cố gắng trung thực và cởi mở hơn với con sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của chúng. Làm gương về hành vi trung thực và khuyến khích con sống trung thực là một chiến lược tốt.
Sẵn sàng nhận lỗi
Trong trường hợp trẻ phát hiện cha mẹ nói dối, hãy đảm bảo rằng bản thân thú nhận lỗi lầm và giải thích lý do cho trẻ hiểu thay vì lẩn tránh hoặc trách móc ngược lại.
Xem xét các lựa chọn thay thế cho việc nói dối
Nếu khả năng chơi violin của con không tốt, thay vì nói dối "Con chơi rất hay" để động viên trẻ, hãy tập trung vào việc thẳng thắn và hỗ trợ. Phụ huynh có thể nói: "Con cần có thêm thời gian", "Con đang dần tiến bộ hơn"...
Phương Anh (Theo Psychology Today)