Học kỳ mùa xuân bắt đầu vào tháng 3 cũng là lúc các cố vấn tại Trung tâm tư vấn và phúc lợi thanh thiếu niên Changwon bận rộn với những đứa trẻ sợ đến trường.
Trung tâm cung cấp dịch vụ kiểm tra tâm lý, tư vấn miễn phí cho đối tượng từ 9 đến 24 tuổi bị bắt nạt. Hầu hết đến đây thông qua giới thiệu của nhà trường, gia đình, số ít tự tìm đến. Rất khó để tìm ra những trẻ em đang phải chịu đựng đau đớn vì bạo lực học đường bởi chúng không muốn để lộ "vết sẹo" của mình.
"Không dễ để có được sự tin tưởng, nhưng đó là công việc của chúng tôi", một tư vấn viên chia sẻ.
Hàn Quốc đã đạt được một số tiến bộ về vấn đề bạo lực học đường khi có thêm nhiều trung tâm tư vấn và luật pháp để ngăn chặn. Song, các sự kiện gần đây, đặc biệt là đại dịch Covid-19, khiến các vụ việc tiếp tục tăng lên.
"Tỷ lệ học sinh gặp phải các vấn đề tinh thần do bạo lực trường học đã tăng", một tư vấn viên khác tiết lộ.
Bạo lực học đường ở Hàn Quốc đang ngày trở nên nguy hiểm hơn và khó nhận biết hơn khi diễn ra trên môi trường mạng Internet. Đồ họa: Cho Sang won
Có nhiều yếu tố gây ra vấn đề tinh thần của thanh thiếu niên như bạo lực gia đình hay khó khăn tài chính, tuy nhiên bạo lực học đường là nguyên nhân chính trong các năm qua. Số lượng trẻ xin giúp đỡ tăng chủ yếu do dịch Covid-19 vì chúng mất cơ hội thực hành tạo dựng các mối quan hệ. Số trẻ trở nên ẩn dật cũng tăng lên. Không chỉ có vậy, độ tuổi bị bắt nạt cũng ngày một thấp hơn.
Trung tâm Changwon hiện có 10 tư vấn viên, phụ trách 264 học sinh được gửi từ các trường học trong khu vực. Đây là một trong 240 trung tâm trên cả nước để hỗ trợ trẻ bị bạo lực học đường, bạo lực gia đình. Ngoài ra, còn có số điện thoại đường dây nóng để báo cáo. Với những học sinh không muốn đến trung tâm, các tư vấn viên đôi khi gặp các em này tại nhà.
Loạt phim ăn khách "The Glory" (tựa Việt: Vinh quang trong thù hận) của Netflix gần đây một lần nữa khiến công chúng quan tâm hơn đến vấn đề. Do gắn mác R, không nhiều trẻ em bàn về phim song "The Glory" đã ảnh hưởng lớn đến người lớn và xã hội. Các vụ bạo lực học đường đã bước sang một chương mới, theo Yang Mi Jin, giáo sư tại Viện tư vấn và phúc lợi thanh thiếu niên Hàn Quốc.
Noh Yoon Ho, luật sư chuyên về bạo lực học đường, cho rằng không thể che đậy vấn nạn bắt nạt thêm nữa. Trước đây, mỗi trường phụ trách các vụ việc diễn ra trong trường, song từ năm 2020, phòng giáo dục tại mỗi khu vực sẽ đảm nhận. Do đó, mọi thứ được xử lý chuyên nghiệp và công bằng hơn. Điều nạn nhân muốn là lời xin lỗi chân thành từ kẻ bắt nạt và quay lại cuộc sống bình thường mà không tái diễn bạo lực, ông Noh nói thêm.
Dù vậy, bạo lực học đường dường như đang phát triển và chuyển sang các dạng mới, đặc biệt thông qua Internet. Choi Woo Sung, giám đốc Trung tâm nghiên cứu ngăn chặn bạo lực học đường, cho biết trong thế giới mà người lớn không hay biết, bạo lực đang ngày một tăng. Chẳng hạn, chúng tấn công nạn nhân qua công nghệ deepfake, ghép mặt nạn nhân vào hình ảnh gây khó chịu, hoặc chế giễu họ qua các ứng dụng chat ẩn danh.
Để bảo vệ trẻ khỏi bắt nạt, Hàn Quốc nên đưa ra các biện pháp đối phó tốt hơn, đặc biệt trong cách xử lý các trường hợp, theo Chung Jae Joon, giám đốc Viện ngăn chặn bạo lực học đường Hàn Quốc. Ông kêu gọi tăng cường lực lượng cảnh sát trường học (SPO), phụ trách đối phó bạo lực học đường, quản lý thanh thiếu niên liên quan tới các vụ xung đột.
Được giới thiệu từ năm 2012, tới nay, trung bình mỗi SPO theo dõi 15 trường học tại Hàn Quốc. Tại Mỹ, tỉ lệ mỗi trường có một SPO riêng là 67%. Ông Chung nhận xét Hàn Quốc vẫn chưa thể phản ứng với bạo lực đủ nhanh.
Theo một luật sửa đổi năm 2021, hiệu trường phải ngay lập tức tách kẻ bắt nạt khỏi nạn nhân nếu phát hiện sự cố. Bên cạnh đó, còn có giai đoạn "hòa giải xung đột" để ngăn các vụ bình thường trở thành các vụ kiện tụng. Một giáo viên tiểu học tại Incheon chia sẻ, nếu cả nạn nhân và thủ phạm chấp nhận hòa giải, trường học sẽ xin trợ giúp từ phòng giáo dục, cố gắng giải quyết mọi thứ trước khi vụ việc bước sang giai đoạn pháp lý.
Các trường đại học ở Hàn Quốc cũng đang tìm cách để đánh giá lịch sử bắt nạt của một học sinh trong quá trình xem xét hồ sơ nhập học. Trước đó, cựu giám đốc Văn phòng điều tra quốc gia bị phát hiện đã bao che con trai khi quấy rối bằng lời nói với một bạn cùng lớp trung học.
Kim Dong Won, Chủ tịch Đại học Hàn Quốc, xác nhận trường đang xem xét chính sách để cân nhắc các trường hợp bắt nạt nghiêm trọng trong quá trình tuyển sinh. Ông khẳng định bạo lực học đường không chỉ là vấn đề của thủ phạm và nạn nhân. Nó có thể sinh ra do bạo lực gia đình, thiếu sự giáo dục hoặc có thể do xã hội thúc đẩy cạnh tranh quá mức, hay do một vài giáo viên thiên vị quá mức.
"Bạo lực học đường không thể bị xem là vấn đề của từng trẻ riêng biệt", ông Chung nhấn mạnh tính chất phức tạp của bạo lực học đường và kêu gọi các biện pháp toàn diện hơn, thay vì chỉ lên án một số cá nhân. "Xã hội nên nhận ra nguyên nhân của bạo lực học đường là sản phẩm tổng hòa của gia đình, cộng đồng và trường học".
Huy Phương (Theo Korea Herald)Trở lại Đời sốngTrở lại Đời sốngChia sẻ ×