Ngày 2/8, hơn 200 trường đại học trên cả nước đã hoàn thành công bố điểm sàn xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022.
Điểm sàn (còn gọi là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) không phải điểm chuẩn (hay điểm trúng tuyển). Đây là mức tối thiểu thí sinh cần đạt để có thể đăng ký xét tuyển vào ngành hoặc trường đại học đó. Sau quá trình xét tuyển, trường đại học sẽ đưa ra điểm chuẩn của từng ngành, và ngưỡng này không được thấp hơn điểm sàn.
Tại phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm sàn thường được tính theo thang 30, là tổng điểm ba môn thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp và điểm ưu tiên. Tại một số ngành chú trọng ngoại ngữ hoặc các môn năng khiếu đặc thù, số ít ngành sẽ tính điểm sàn theo thang 40, nhưng đa số vẫn quy về thang 30.
Trước đây, điểm sàn của tất cả trường đại học, cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Nhưng từ năm 2018, chỉ các ngành đào tạo giáo viên và nhóm ngành sức khỏe cấp chứng chỉ hành nghề được Bộ đặt ngưỡng đầu vào, còn lại do các trường quyết định.
Theo nhiều chuyên gia, xét mặt bằng chung, điểm sàn đại học năm nay tương đối ổn định, nếu có chỉ tăng nhẹ 0.5-1 điểm, không biến động lớn so với năm ngoái. Điều này thể hiện ngay ở ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sư phạm, sức khỏe do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Cụ thể, nhóm sư phạm lấy điểm sàn 19, riêng các ngành giáo dục thể chất, nghệ thuật 18. Với các ngành sức khỏe, điểm sàn từ 19 đến 22, cao nhất là Y khoa và Răng - Hàm - Mặt. Tại cả hai nhóm ngành, điểm sàn được Bộ quy định không thay đổi so với hai năm trước, được các chuyên gia đánh giá hợp lý.
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ ổn định điểm sàn sư phạm, sức khỏe, hầu hết các trường đại học cũng lấy ngưỡng đầu vào bằng mức này, chỉ số ít trường top đầu lấy cao hơn. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có điểm chuẩn cao nhất 21,5 tại ngành Sư phạm Hóa học (dạy bằng tiếng Anh), còn lại 18-21. Trường Đại học Y Hà Nội, Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng lấy 23 điểm cho các ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền, cao hơn ngưỡng của Bộ 1 điểm.
Ngoài nhóm sư phạm và sức khỏe, các đại học top đầu hoặc ngành hot tại các trường top giữa cũng lấy điểm sàn cao, dao động 23-26 điểm. Nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh cần đạt khoảng 7,5-8,5 điểm mỗi môn (mức khá, giỏi) mới đủ điều kiện nộp hồ sơ.
Với nhóm trường kỹ thuật, ngành Robot và trí tuệ nhân tạo (hệ Nhân tài), trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, có mức điểm sàn xét tuyển lên tới 26. Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP HCM) lấy điểm sàn 23 cho mọi ngành đào tạo, bằng Bách khoa Hà Nội. Tại hai trường Đại học Thủy lợi, Công nghiệp Hà Nội, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phổ biến 20-21, riêng Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa 23.
Năm ngoái, các trường này cũng có mức sàn cao nhất ở ngưỡng 23 và điểm chuẩn tập trung 25-27 điểm. Trong đó, ngành Khoa học máy tính (IT 1) của trường Đại học Bách khoa Hà Nội lấy ngưỡng trúng tuyển 28,43 điểm.
Giữa tháng 7, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đưa ra nhận định Công nghệ thông tin, Tự động hóa là nhóm có các ngành hot, cạnh tranh cao. Do đó, để tuyển chọn được sinh viên chất lượng, đáp ứng chương trình đào tạo khắt khe và cung cấp cho thị trường nguồn lao động chất lượng cao, các trường đại học có xu hướng nâng chuẩn đầu vào.
Ở nhóm trường Kinh tế, trường Đại học Ngoại thương "đầu bảng" với điểm sàn 23,5 cho mọi ngành tại trụ sở Hà Nội và cơ sở TP HCM. Mức này đã "soán ngôi" 23 điểm năm ngoái, vốn được coi là mức sàn cao kỷ lục của Ngoại thương. Theo dự đoán của chuyên gia, việc trường Ngoại thương tăng điểm sàn có thể dẫn tới điểm chuẩn tăng nhẹ so với năm ngoái, dù mức thấp nhất năm 2021 đã là 28,05.
Trường Đại học Kinh tế lấy điểm sàn 23 cho mọi ngành và chương trình đào tạo, cao hơn 3 điểm so với ngưỡng sàn chung mà Đại học Quốc gia Hà Nội quy định với các trường, khoa thành viên.
Tương tự với các trường quân đội - nhóm đặc thù với những yêu cầu đầu vào khắt khe, Học viện Kỹ thuật quân sự có điểm sàn cao nhất, từ 20 đến 24,5. Mức 24,5 áp dụng với thí sinh nữ ở miền Bắc, xét tuyển bằng tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) hoặc A01 (Toán, Lý, Anh).
Bên cạnh các ngành, trường "cao ổn định", một trường hợp tăng vượt trội so với năm ngoái là trường Đại học Quy Nhơn. Tại sáu ngành Sư phạm Toán học, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý của trường, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào lên tới 28,5 (trung bình 9,5 điểm mỗi môn nếu không có điểm cộng).
Lý giải điều này, TS Lê Xuân Vinh, Trưởng Phòng Đào tạo Đại học, trường Đại học Quy Nhơn, cho biết điểm sàn lên tới 28,5 là do chỉ tiêu tuyển sinh của sáu ngành này rất ít, chỉ 8-19 mỗi ngành theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó, để đảm bảo tuyển đúng, đủ chỉ tiêu được giao, trường Đại học Quy Nhơn đã lấy điểm sàn cao hẳn. "Mức sàn này được đưa ra dựa trên số lượng thí sinh có thể đạt được năm ngoái", ông Vinh nói.
Ở chiều ngược lại, một số ngành, trường lấy điểm sàn 14-15, nghĩa là thí sinh chỉ cần đạt trung bình 4,5-5 điểm mỗi môn, không cần điểm cộng, là đủ điều kiện nộp hồ sơ.
Điểm sàn thấp chủ yếu rơi vào các ngành truyền thống, nhu cầu nhân lực, cơ hội việc làm không nhiều, khó tuyển sinh.
Các ngành Địa chất học, Khí tượng và khí hậu học, Thủy văn học, Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững (trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM) và tất cả ngành của trường Đại học Xây dựng miền Tây lấy điểm sàn 14. Mức sàn 15 phổ biến hơn, là ngưỡng đầu vào của Phân hiệu trường Đại học Nông lâm TP HCM tại Ninh Thuận và nhiều ngành tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trường Đại học Y tế công cộng...
Như các năm trước, các ngành lấy điểm sàn thấp thường có điểm chuẩn cũng không cao, chỉ bằng hoặc hơn sàn 1-2 điểm.
Tuy nhiên, nhìn chung điểm sàn chỉ là điều kiện cần, không phải ngưỡng trúng tuyển. Các chuyên gia cảnh báo thí sinh cần tham khảo chênh lệch "sàn-chuẩn" các năm trước của ngành yêu thích để lựa chọn phù hợp, bởi đôi khi sàn ở mức trung bình nhưng điểm trúng tuyển vẫn cao.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đặc biệt nhấn mạnh điều này. Ông lấy ví dụ điểm sàn 2021 của trường Sư phạm là 19 nhưng điểm chuẩn ngành tiếng Anh lấy tới 28 điểm, Toán học bằng tiếng Anh 27,7.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2022 tại trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh, TP HCM), ngày 7/7/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Cũng đưa ra khuyến cáo tương tự, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng thí sinh cần cẩn trọng khi đăng ký nguyện vọng. Chỉ những ngành học nào số hồ sơ đăng ký không cao, những ngành không "hot" thì điểm chuẩn mới có thể tương đối sát với điểm sàn, ví dụ các ngành khoa học cơ bản như Triết học, Lịch sử,... Còn với những ngành đang "hot" hiện nay như Công nghệ thông tin, điểm sàn rất khó sát với điểm chuẩn.
Ví dụ, ngành Công nghệ thông tin có điểm sàn là 22, có nghĩa tất cả thí sinh từ 22 điểm trở lên có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành này nhưng không đồng nghĩa tất cả thí sinh nộp sẽ trúng tuyển. Các trường đại học sẽ xét điểm của tất cả thí sinh đã đăng ký, lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.
"Có thể 1.000 thí sinh nộp hồ sơ nhưng chỉ lấy 100 em có điểm cao nhất. Như vậy, dù điểm sàn là 22, điểm trúng tuyển có thể lên tới 27. Thí sinh đặt hồ sơ vào ngành nào càng đông, khoảng cách giữa điểm sàn và điểm chuẩn lại càng lớn", ông Đức phân tích.
Cũng vì lý do trên, ông Đức khuyên thí sinh nên căn cứ vào điểm chuẩn năm trước của các ngành, các trường; phổ điểm các tổ hợp và chỉ tiêu năm nay của các trường để xác định mức điểm của mình có "an toàn" hay không thay vì dựa vào điểm sàn.
Năm nay, gần 1 triệu thí sinh đã tham dự kỳ thi THPT, ít hơn khoảng 12.000 so với số lượng đăng ký. Trong đó, hơn 860.000 thí sinh thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học. Hiện (từ 22/7 đến 20/8), thí sinh đang đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học theo hình thức trực tuyến.
Thanh Hằng - Dương Tâm