Vợ chồng tôi đều xuất thân từ vùng quê nghèo. Dù có công việc tương đối ổn định, thậm chí lương của tôi cũng hơn 20 triệu/tháng, chúng tôi vẫn phải ăn tiêu rất dè sẻn. Cũng bởi mức sống ở thành phố tốn kém, hai con lại đang tuổi đến trường nên có nhiều thứ cần chi tiêu.
Nhìn chung, cuộc sống của vợ chồng tôi vẫn ổn cho đến khi chúng tôi quyết định mua nhà để "ăn cư lạc nghiệp". Ban đầu, chúng tôi tính chỉ mua một căn chung cư be bé ở ngoại thành cho rẻ. Nhưng sau nhiều lần "nâng lên đặt xuống", chúng tôi cùng thống nhất mua hẳn căn nhà mặt đất ở quận trung tâm cho tử tế.
Thứ nhất, vợ chồng tôi chắc khó có khả năng mua căn nhà thứ hai nên phải tìm phương án tốt nhất. Nhà mặt đất vẫn được coi là tài sản đảm bảo, sau này khó mất giá như chung cư, có bị xuống cấp cũng tự sửa chữa được. Hàng tháng, chúng tôi cũng không cần phải đóng đủ loại chi phí như gửi xe, quản lý tòa nhà, an ninh...
Thứ hai, vợ chồng tôi có đến hai con trai. Nếu như tính sau này lâu dài, các con lấy vợ thì còn có chỗ ở, sinh con. Đó còn là chưa kể nhà ở trung tâm cũng tiện cho việc các con được đi học ở những ngôi trường tốt hơn.
Vì thế, thay vì tốn khoảng hơn 2 tỷ đồng mua nhà, vợ chồng tôi cần đến... 5 tỷ đồng. Thú thật, sau nhiều năm đi làm, chúng tôi cũng chẳng tích góp được bao nhiêu, chỉ có vài trăm triệu đồng. Số còn lại vay hai bên gia đình nội ngoại mỗi bên một ít và vay thêm ngân hàng, trả trong khoảng 15 năm.
Vợ chỉ cho tôi hàng ngày được tiêu tối đa... 100.000 đồng, còn thừa thì càng tốt. (Ảnh minh họa)
Từ giây phút quyết định mua nhà, cuộc sống của gia đình tôi hoàn toàn thay đổi. Vợ bắt cả nhà tiết kiệm đến mức tối đa, nói không ngoa là "ăn không dám ăn, mặc không dám mặc". Điện nước sử dụng tiết kiệm, bữa cơm đạm bạc, không đi du lịch ở đâu đã đành, đằng này vợ chỉ cho tôi hàng ngày được tiêu tối đa... 100.000 đồng, còn thừa thì càng tốt. Cô ấy cũng sẽ như vậy.
Nói thật, ăn sáng hàng ngày cũng phải mất 30.000 đồng, ăn trưa 50.000 đồng, còn 20.000 đồng thì tiêu vào việc gì được? Đó là còn chưa kể anh em thỉnh thoảng đi trà đá, cà phê. Thế tiền xăng xe, điện thoại thì sao?
Tôi rất phản đối quyết định này của vợ nhưng cô ấy vẫn không thay đổi suy nghĩ. Vợ bảo, mỗi tháng tiêu 3 triệu đồng là quá ổn. Nếu cần thì tôi có thể mang cơm đi làm nhưng cả cơ quan tôi làm gì có ai như thế. Cô ấy còn trách móc, tôi là đàn ông, trụ cột trong gia đình, giờ cả nhà đang nợ nần như thế thì phải biết tính toán chi tiêu, đừng chỉ biết nghĩ cho riêng mình.
Không thể cãi lại vợ, cũng không muốn vợ chồng suốt ngày bất hòa, to tiếng nên tôi đành cam chịu. Hàng tháng, lương trong tài khoản của tôi đều tự động chuyển sang cho vợ. Cô ấy thậm chí còn sợ tôi "tiêu lố" nên không đưa 3 triệu đồng cho tôi theo tháng, mà đưa mỗi ngày 100.000 đồng.
Từ ngày "được vợ phát tiền", tôi cảm giác không thể ngửng mặt lên với anh em, không còn ra dáng đàn ông một chút nào. Tôi thường xuyên nhịn bữa sáng. Đồng nghiệp rủ ăn trưa ở đâu hơi đắt đỏ một chút là lại phải nghĩ cách từ chối khéo. Trà đá, cà phê với anh em lâu lâu mới dám đi một lần. Còn chuyện tan làm đi nhậu nhẹt, bia bọt là dẹp hẳn.
Đi đâu với tập thể, lần nào anh em cũng rút tiền ra trả, còn mình ngồi im ru, không dám ho he gì vì làm gì có tiền. Lâu dần, tôi không dám đi đâu cho đỡ ngại. Cái cảm giác không đáng mặt đàn ông thực sự rất khó chịu, khiến tôi không khỏi thấy xấu hổ và nhục nhã.
Đỉnh điểm, cơ quan tôi có đội bóng sinh hoạt mỗi tuần 1-2 buổi. Anh em cần đóng quỹ tháng khoảng 300.000-400.000 đồng, tôi cũng phải về nhà ngửa tay xin vợ. Ấy thế nhưng vợ vẫn không cho, nói không cần thiết, cố gắng tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Đá bóng chỉ tổ hao sức, mệt người, thời gian đấy nghĩ cách kiếm thêm thu nhập.
Mặc dù không ai nói ra, tôi biết anh em bạn bè, đồng nghiệp giờ khá coi thường tôi, chê tôi bủn xỉn. Họ dần dần xa lánh, hiếm khi nói chuyện hay rủ tôi đi chơi đâu như trước. Thực ra họ chẳng có gì sai, nếu tôi gặp phải người như vậy thì tôi cũng nghĩ như thế.
Vụ vợ không cho đi đá bóng cùng anh em như "giọt nước tràn ly", khiến tôi không thể chịu đựng thêm nữa. Tôi đã to tiếng, cãi nhau với vợ một trận tanh bành. Là đàn ông, có khả năng đi làm và thậm chí lương đến 20 triệu đồng/tháng, tôi không thể sống khổ, sống sở như thế này được. Rồi lâu dần, tôi sẽ biến thành cái gì? Bạn bè cũng sẽ mất hết không còn một ai.
Không hiểu sao, nói đến nước ấy rồi mà vợ vẫn cãi ngang, không hiểu cho nỗi khổ của tôi. Cô ấy bảo bản thân cũng có bạn bè. Cô ấy chi tiêu như thế vẫn thấy ổn thì chắc chắn tôi cũng vậy. Thậm chí, vợ còn khóc lóc, trách ngược do tôi bất tài, không làm được nhiều tiền hơn, không mua được nhà từ trước khi cưới nhau nên giờ mới ra nông nỗi này.
Thế hóa ra tất cả đều là lỗi do tôi? Mọi người thử cho một câu công bằng xem tôi sai hay là vợ tôi sai?
->Chồng muốn tôi ngừng diễn cảnh gia đình hạnh phúc kẻo về già sẽ cô đơn, bất hạnh
Theo Dân trí